Kết quả xét nghiệm nước tiểu và chụp X-quang niệu đạo ngược dòng tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho thấy ông Quang bị nhiễm trùng đường tiểu do niệu đạo (ống dẫn nước tiểu từ bàng quang ra ngoài) hẹp nghiêm trọng, nhỏ hơn ba lần bình thường. Để chụp X-quang, bác sĩ phải sử dụng ống 8 Fr (khoảng 2,5 mm) mới đưa qua được lỗ niệu đạo của người bệnh, trong khi đường kính lòng trong niệu đạo bình thường của nam giới là 20-30 Fr.
Ông Quang thời trẻ từng phải cắt một phần dương vật do nhiễm trùng. Ngày 12/4, tiến sĩ, bác sĩ Lê Phúc Liên, khoa Tiết niệu, Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa, cho biết sẹo sau phẫu thuật vùng kín dần xơ hóa theo thời gian gây hẹp lỗ ngoài niệu đạo, khiến ông Quang tiểu khó, nhiễm trùng tiểu tái phát. Ông còn có một đoạn hẹp niệu đạo khác do tuyến tiền liệt phì đại chèn ép.
Nếu đoạn hẹp không được xử lý, nước tiểu ứ đọng có thể làm phát sinh nhiễm trùng tiểu kéo dài, thậm chí nhiễm trùng vào máu, đe dọa tính mạng. Nước tiểu dồn ứ lâu ngày có thể trào ngược lên thận gây thận ứ nước, dẫn đến suy thận ngược dòng.
Bác sĩ Liên phẫu thuật mở rộng miệng lỗ niệu đạo, kết hợp nội soi cắt đốt tuyến tiền liệt cho người bệnh trong 45 phút giúp ngăn chặn nguy cơ hẹp về sau.
Hai ngày sau mổ, ông Quang đi tiểu trong, tiểu dễ, có thể ăn thức ăn lỏng, mềm và được xuất viện.
Bác sĩ Liên cho biết sau phẫu thuật 2-6 tuần, người bệnh sẽ gặp tình trạng khó nhịn tiểu, mắc tiểu phải đi ngay do cổ bàng quang được mở rộng. Sau khi vết mổ phục hồi, các tình trạng này không còn nữa.
Để tránh tái phát hẹp, ông Quang cần theo dõi tia nước tiểu thường xuyên, nếu nhận thấy tia nước yếu đi, cần đến bệnh viện tái khám sớm. Trong một tháng sau mổ, ông cần ăn thức ăn mềm để tránh táo bón, tránh vận động mạnh khiến vết mổ chảy máu.
Bác sĩ Liên cho biết hẹp niệu đạo gây ra các triệu chứng tắc nghẽn dòng nước tiểu, phổ biến ở nam giới gấp khoảng 33 lần so với nữ giới. Nguyên nhân do ống niệu đạo của nam dài hơn, khoảng 18-20 cm (nữ giới khoảng 3-4 cm) nên dễ tổn thương hơn.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như vô căn, do phẫu thuật, viêm nhiễm và chấn thương. Trong đó, nguyên nhân do chấn thương và phẫu thuật như trường hợp của ông Quang thường gặp nhất.
Người bệnh hẹp niệu đạo thường gặp các triệu chứng như tiểu rắt, lắt nhắt, tiểu nhiều lần, tiểu không hết, tiểu khó, bí tiểu, tia nước tiểu yếu, tiểu buốt.
Hiện có nhiều phương pháp điều trị như nong, xẻ lạnh, phẫu thuật tạo hình niệu đạo. Trong đó, nong và xẻ lạnh có hiệu quả thấp, nguy cơ tái phát hẹp cao. Phẫu thuật tạo hình niệu đạo là giải pháp điều trị tối ưu, theo bác sĩ Phúc Liên. Tùy vào vị trí, kích thước đoạn hẹp, bác sĩ chọn phương pháp phẫu thuật phù hợp.
Bác sĩ Phúc Liên khuyến cáo người có các triệu chứng tắc nghẽn đường tiểu, nhất là nam giới, có tiền sử chấn thương tầng sinh môn (vùng nằm giữa bìu và hậu môn), cơ quan sinh dục, phẫu thuật nội soi qua niệu đạo, nhiễm trùng đường tiểu tái phát nhiều lần, cần đến bệnh viện khám và điều trị sớm, tránh phát sinh biến chứng.
Thắng Vũ
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tiết niệu tại đây để bác sĩ giải đáp |