Sở Giao thông Vận tải TP HCM vừa giao Trung tâm quản lý hạ tầng giao thông đường bộ cùng các đơn vị liên quan nghiên cứu mở làn đường riêng cho xe đạp và người đi bộ trên xa lộ Hà Nội - trục huyết mạch cửa ngõ phía đông thành phố (dài gần 15 km, kết nối quốc lộ 1 qua các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai). Đề xuất này ngay lập tức nhận được nhiều ý kiến trái chiều.
Ủng hộ việc mở làn riêng cho xe đạp, độc giả Soemhuh nhận định: "Có làn xe đạp là thêm một lựa chọn cho người dân, giúp giảm phụ thuộc vào xe máy, ôtô; và cũng giảm lưu lượng giao thông, nên không phải sợ mất đường cho xe khác. Đến Hà Lan - một nước thuộc dạng chuộng xe đạp nhất thế giới, chuyến xe đạp trung bình cũng 2.5 km, đủ để đi đến địa điểm vui chơi, thư giãn phổ biến: cà phê, công viên, nhất là các trạm Metro. Và do phần lớn học sinh đi theo tuyến và chọn trường gần nhà, nên cũng giảm được nhồi nhét xe cộ.
Quan trọng nhất là về thiết kế, đường cho xe đạp phải có bóng râm, tách xa đủ khỏi các loại phương tiện khác và phải đảm bảo an toàn (ở Hà Lan phần lớn đường quy định tốc độ dưới 30 km/h, và họ có các đèn giao thông, ngã tư thiết kế có tính đến người đi xe đạp).
Tôi mong TP HCM mở rộng thêm mạng lưới các làn, các đường tắt, đường song song để người đi xe đạp, đi bộ và phương tiện công cộng có thời gian di chuyển nhanh sánh ngang được với xe máy, ôtô. Các làn đạp dựng lên cũng nên bổ trợ cho việc đi bộ chứ không cắt giảm. Về vấn đề nhiệt độ, chỉ cần có cây cối và mái che là giải quyết được. Tôi thấy dù nắng nóng nhưng chỉ cần mặc áo tay dài, quần dài là ổn".
Đồng quan điểm, bạn đọc Minhcutepikoy chỉ ra những mặt tích cực của việc mở làn đường cho xe đạp: "Vô cùng ủng hộ chủ trương này. Nhưng đi kèm với đó, chúng ta phải có giải pháp để ngăn không cho xe máy, ôtô lấn vào làn này. Đây là hiện tượng từng xảy ra ở đường ven sông Tô Lịch, Hà Nội khi mới khánh thành.
Cần có nhiều hơn những tuyến đường như vậy để kích thích người dân đi xe đạp. Không phải cứ đường sáu làn thì cho ôtô năm làn, xe máy hai làn hỗn hợp, xe đạp đi lẫn xe máy ở làn trong cùng, như vậy rất bất tiện và nguy hiểm. Ở những nơi hạ tầng chưa đảm bảo có làn riêng cho xe đạp, cần xây dựng làn riêng cho xe máy để giảm lượng xe máy ở làn hỗn hợp, tạo môi trường vận hành an toàn hơn cho xe đạp.
Như hiện nay, hầu hết làn xe máy ở TP HCM là hỗn tạp, gây ra sự yếu thế của xe đạp. Tuy nhiên, nếu cấm xe máy vào làn xe đạp sẽ gây hỗn loạn vì lượng xe máy rất lớn và chỉ còn làn xe để đi. Ngoài ra, cho phép xe đạp đi trên vỉa hè ở một số đoạn đường cũng là giải pháp đáng xem xét (Đài Loan, châu Âu, Mỹ, Nhật... đã áp dụng và rất hiệu quả).
>> 'Đi xe đạp 26 km một ngày tiện lợi hơn ôtô, xe máy'
Trong khi đó, với quan điểm đối lập, độc giả Truong.kiet cho rằng: "Không nên mở làn riêng cho xe đạp khi ý thức chưa tốt. Hiện nay, người đi xe đạp chủ yếu là người đi tập thể dục chứ không nhiều tới mức dùng làm phương tiện đi lại hằng ngày như xe máy hay ôtô. Báo chí cũng phản ánh rất nhiều lần chuyện người đi xe đạp vi phạm giao thông khi đi vào làn ôtô, họ chủ yếu đi thể dục chứ không phải gấp gáp để đi làm".
"Xe đạp chỉ nên chạy bên trong các đường song hành, hoặc chạy trong khu dân cư. Còn ra cao tốc hay quốc lộ để chạy làm gì? Còn nếu muốn chạy thì có thể dùng chung đường với xe máy. Nên để tiền mở rộng các nút thắt cổ chai, hoặc làm cầu vượt cho các nút giao thông nhằm giảm ùn tắc hoặc chống ngập... Như vậy sẽ hiệu quả hơn nhiều mở làn riêng cho xe đạp trên xa lộ", bạn đọc Nguyenxuanloc nói thêm.
Cũng có cùng quan điểm, độc giả Quangdung nhấn mạnh giờ chưa phải lúc đầu tư mở làn riêng cho xe đạp trên xa lộ: "Khi nào người dân Việt Nam đi xe đạp nhiều, ít nhất phải bằng hoặc nhiều hơn lượng xe máy, thì chúng ta hãy nghĩ tới việc mở làn riêng. Thử tưởng tượng chúng ta đầu tư bao nhiêu tiền của, mở ra làn đường riêng cho xe đạp nhưng không sử dụng hoặc sử dụng rất ít thì rất lãng phí, và sớm cũng thành đường của xe máy. Chưa nói tới việc phải giải phóng mặt bằng khu vực này cũng không hề đơn giản".
Việt Thành tổng hợp
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.