Người đi xe đạp đi vào đường cấm, đường ngược chiều, đường dành cho người đi bộ, đi cả trong công viên, vượt đèn đỏ, thậm chí chạy thành đoàn trong làn ôtô bất chấp nguy hiểm... là chuyện xảy ra như cơm bữa nhiều thành phố lớn. Những người này, tôi thấy đa số là dân trí thức, có tiền, bởi giá một chiếc xe đạp chuyên dụng này không hề rẻ (đôi khi ngang ngửa chiếc xe máy), nhưng ý thức của họ lại là con số "0".
Ngày nào đi làm trên đường từ sân bay Nội Bài về trung tâm Hà Nội, tôi cũng thường xuyên bắt gặp những người đạp xe như thế này. Họ đi nghênh ngang, dàn hàng ba, hàng bốn, tràn ra hết cả làn ôtô, rồi đôi khi còn tụ tập trên cầu chém gió. Tôi bấm còi đủ kiểu nhưng họ cũng không nhường đường, buộc tôi phải đè vạch sang làn bên cạnh để vượt qua.
Tôi cũng chứng kiến vài vụ tai nạn từ những người chạy xe đạp như thế này. Họ coi thường tất cả, và nếu chẳng may va chạm với ôtô, xe máy thì chính các tài xế xe lớn lại là người phải chịu hết trách nhiệm vì lý do "xe đạp phương tiện thô sơ, yếu thế". Có vẻ nhiều người tưởng mặc bộ quần áo màu mè, ngồi lên chiếc xe đạp đua là họ được ưu tiên vi phạm pháp luật. Những hành vi này nhìn qua tưởng là chuyện nhỏ nhưng lại tiềm ẩn tai họa khôn lường cho những người tham gia giao thông khác.
Hành vi xử sự nơi công cộng như vậy khiến tôi thực sự khó hiểu? Họ tập trung theo nhóm, mua xe đạp xịn, trang bị đồ nghề màu mè hoa lá đến tận răng, nhưng kiến thức và ý thức chấp hành luật giao thông thì rỗng tuếch. Hoặc có thể họ biết sai những vẫn bất chấp, chỉ là chạy theo phong trào. Tôi tự hỏi khi đến cả tính mạng của bản thân và người khác họ còn không màng tới thì đạp xe vì sức khỏe để làm gì? Hình ảnh đó, vừa gây tiếng xấu cho những người tập thể dục hằng ngày bằng xe đạp thể thao chuyên nghiệp, vừa làm hư hỏng hết các thế hệ con cháu mai sau.
Rất nhiều trường hợp vi phạm khi thấy CSGT liền dừng lại và khiêng xe từ làn ôtô qua dải phân cách để vào làn bên trong. Có trường hợp còn nguy hiểm hơn khi quay xe chạy ngược chiều. Xe máy, ôtô chạy vào đường cấm khi thấy chốt thì không thể trốn đi đâu được. Nhưng riêng những người đi xe đạp này, do trọng lượng xe quá nhẹ, nên chỉ cần một tay cũng có thể nhắc bổng chiếc xe qua làn khác, vậy là thoát được.
>> Những tài xế lái ôtô bằng tư duy xe máy
Bên cạnh đó, mức phạt hành vi chạy vào đường cấm của xe đạp còn thấp, chủ yếu xử phạt theo từng đợt ra quân nhỏ lẻ, nên nhiều người vi phạm vẫn xem nhẹ. Theo nghị định 100/2019, mức phạt tiền 200.000 - 300.000 đồng đối với người lái xe đạp đi vào khu vực cấm, đường có biển báo hiệu nội dung cấm đi vào; đi ngược chiều đường của đường một chiều, đường có biển "Cấm đi ngược chiều". Phạt tiền 100.000 - 200.000 đồng đối với người đi xe đạp không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông.
Tuy nhiên, khi xử phạt vi phạm hành chính, CSGT đang thi hành công vụ được phép ra quyết định (xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản) xử phạt cảnh cáo và các hành vi vi phạm được quy định mức phạt tiền không quá 250.000 đồng nên người đi xe đạp vi phạm các lỗi trên có thể đóng phạt và nhận biên lai tại chỗ. Con số này chẳng thấm vào đâu so với chi phí mà những người chơi xe đạp thể thao bỏ ra cho thú vui của mình.
Tôi cho rằng, khi bắt được các trường hợp vi phạm, nên tăng mức phạt thật nặng, gấp nhiều lần so với quy định hiện hành, kết hợp với chế tài thu giữ phương tiện trong một khoảng thời gian nhất định, vì tình trạng này không phải mới. Phần lớn những người vi phạm cũng đều thuộc tầng lớp có trình độ học vấn, có kiến thức pháp luật nhất định, họ biết sai nhưng vẫn vi phạm đơn giản vì nghĩ đi xe đạp sẽ không bị phạt, nếu có thì mức phạt cũng rất nhẹ nhàng.
Rèn luyện sức khỏe là tốt nhưng không có nghĩa là muốn làm gì cũng được. Đi vào đường cấm không chỉ gây mất trật tự an toàn giao thông, mà còn gây nguy hiểm cho những người khác. Dù tham gia giao thông với bất cứ phương tiện gì, mỗi người cũng cần tuân thủ pháp luật. Đừng bắt xã hội phải chịu sự hậu quả cho những đam mê vô pháp của các bạn.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.