"Tôi từng sang một số nước tiên tiến ở châu Á như Đài Loan, Nhật Bản. Mô hình xe đạp công cộng của họ tương đối ổn nhờ có làn đường riêng cho xe đạp và đi bộ, dân trí cao chứ không hỗn độn như ở Việt Nam. Hình thức thuê xe đạp cũng phải đăng ký bằng thông tin cá nhân và trừ tiền theo hình thức mobile banking hoặc thẻ cashpay cá nhân, nên việc chúng ta áp dụng hình thức thanh toán thế nào cần cân nhắc để tránh rắc rối.
Cứ cho rằng mô hình này sẽ là bước đầu, làm thì điểm, cái gì cũng phải có lần đầu, sẽ có những sai lầm, thiếu sót, nhưng quan trọng là sai ở đâu phải sửa ngay ở đấy. Đồng thời, chúng ta cũng cần nâng cao dân trí xã hội từng bước, có như vậy mô hình này mới thực sự trở nên thông dụng đối với mọi đối tượng". - đó là ý kiến của độc giả Vuhuyen.no1102 sau bài viết "Thí điểm xe đạp công cộng ở trung tâm Sài Gòn từ tháng 8".
TP HCM dự kiến triển khai xe đạp công cộng ở các tuyến đường quận 1, giá thuê mỗi chiếc 10.000 đồng cho một giờ. Chủ đầu tư lên kế hoạch nhập 500 chiếc để triển khai, dự phòng, đảm bảo việc thí điểm hiệu quả. Chi phí mỗi xe khoảng 10 triệu đồng tính cả đầu tư trạm.
Trước Việt Nam, nhiều nước phát triển trên thế giới đã áp dụng mô hình xe đạp công cộng và sớm có được kết quả khả quan, như Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Australia, Bỉ, Hà Lan, Pháp, Đức, Đan Mạch... Xe đạp hiện nay rất được các nước này ưa chuộng và họ tích hợp trên đó các tính năng giúp thỏa mãn người tiêu dùng. Nhiều độc giả đánh giá cao dự án và bày tỏ lạc quan về khả năng thành công của xe đạp công cộng.
"Ở Bắc Kinh, hệ thống tàu điện ngầm, xe buýt công cộng và các dịch vụ tương tự Grab, Uber phát triển rất mạnh nên xe đạp gần như chỉ phục vụ cho một nhóm rất nhỏ và dần dần bị tàu điện ngầm lấn át. Còn ở Sài Gòn, chúng ta hãy thử xem, giá taxi trên trời, đi một quãng nhỏ thôi mà muốn đón xe buýt cũng phải đi bộ không khác gì tập thể dục buổi tối, bắt xe ôm thì chỉ cần mỗi ngày vài cuốc là hết tiền ăn tối luôn. Do vậy, tôi cho rằng xe đạp công cộng ở Sài Gòn tuy độ ứng dụng hẹp nhưng lại đáp ứng được một nhóm nhu cầu rất khả thi".
>> Để xe đạp công cộng không thành 'đống hỗn độn trên vỉa hè'
"Tôi sang Đài Loan, thấy họ cho thuê rất nhiều xe đạp. Họ dùng thẻ nhựa làm một lần, nạp tiền giống như điện thoại, dùng để đi nhiều loại phương tiện chứ không chỉ riêng xe đạp. Mỗi lần muốn dùng xe, khách hàng chỉ cần quẹt thẻ ngay chỗ lấy xe, rất đơn giản. Lấy xe ở điểm A, đi đến điểm B thì tìm luôn chỗ có bãi xe ở đó và để vào là hoàn tất việc trả xe, máy sẽ tự trừ vào tiền trong thẻ, chứ không phải quay về đúng điểm xuất phát như nhiều người nghĩ.
Thế nên, thời gian thuê xe thường rất ngắn (ví dụ từ nhà ra trạm xe buýt hay tàu điện...), giá thành cũng rẻ và tiện lợi, chủ động hơn nhiều so với xe ô. Bạn có thể kết hợp thêm một đoạn đi bộ ngắn cho khỏe. Ai cũng bận rộn, nhưng nếu có kế hoạch thì chúng ta sẽ làm được hết".
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đưa ra giải pháp nhằm hoàn hiện hệ thống xe đạp, dựa trên bài học từ các quốc gia láng giềng.
"Thành phố khi làm đường, nên thêm làn cho xe đạp. Hiện nay, xe đạp có thể tận dụng được vỉa hè để đi, nhưng đoạn có đoạn không, đi dưới lòng đường thì có nhiều nguy hiểm, khó đi. Chúng ta nên học hỏi Singapore về quy hoạch cho xe đạp và người đi bộ cũng giảm bớt được phần nào xe máy", bạn đọc Tran Van Binh
Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể không nhắc tới bài học kinh nghiệm tại quốc gia láng giềng Trung Quốc. Từ năm 2014 đến 2017, hình thức xe đạp công cộng tại Trung Quốc được hình thành, có tới 16-18 triệu chiếc xe đạp được đưa vào sử dụng ở các thành phố lớn. Thế nhưng, kinh tế liên tục tăng trưởng, khiến số lượng xe hơi tăng vọt. Người đi xe đạp thường phải di chuyển trên vỉa vè. Cộng thêm tình trạng xe đạp đậu khắp nơi, vỉa hè ngày càng trở nên chật hẹp. Chính quyền các địa phương buộc phải siết chặt quản lý, khiến xe đạp công cộng dần bị bỏ quên. Nhắc lại thất bại của Trung Quốc, độc giả Thang Le nhấn mạnh:
"Giá thành dịch vụ hơi cao nếu hướng đến nhu cầu di chuyển thiết yếu hằng ngày của người dân như đi học, đi làm. Theo tôi, có thể làm theo hình thức vé lượt 10.000 đồng/ giờ và vé tháng 50.000-100.000 đồng/ tháng. Làm sản phẩm xã hội khó nhất vẫn là việc thay đổi được thói quen của người dân. Trung Quốc đã thất bại bởi vì họ không loại bỏ được các rào cản lớn và có chính sách khuyến khích phù hợp. Mong rằng chúng ta sẽ có được những bài học lớn để áp dụng cho lần triển khai này".
Việt Thành tổng hợp
>> Theo bạn, dự án xe đạp công cộng ở Sài Gòn có khả thi? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.