Ngày nào đi làm, tôi cũng gặp những nhóm người đạp xe tập thể dục trên đường phố. Điểm chung của những người này là chạy xe rất lộn xộn, bất quy tắc. Họ thường dàn hàng bốn, hàng năm trên đường; thản nhiên cười nói với nhau như chỗ không người; chạy với tốc độ chậm nhưng lại thích đi ra giữa đường, chen cả vào làn của ôtô; cố tình cản trở các phương tiện khác, không cho người khác vượt lên; sẵn sàng bất chấp luật lệ giao thông... Ấy vậy nhưng khi được góp ý, họ lại nổi khùng lên đôi co, thách thức.
Nếu như trước đây, cứ mỗi khi ra đường, nói đến "hung thần" đường phố, người ta hay nghĩ ngay đến mấy chiếc xe tải, xe ben, xe bồn, xe buýt... thì nay đường phố lại xuất hiện thêm một thành phần khác, tưởng vô hại nhưng lại cực kỳ "nguy hiểm". Đó là những nhóm người chạy xe đạp tập thể dục.
Có lần tôi đã phải cắn răng chạy xe máy phía sau nhóm người đi xe đạp đó gần nửa km. Cậy trời nhá nhem tối, họ đi dàn hàng ngang chắn hết đường. Tôi dùng cả còi xe lẫn lên tiếng xin đường nhưng dường như chẳng ai trong số đó đoái hoài. Vài người còn đánh mắt khiêu khích, giọng thách thức: "Bấm cái gì? Giỏi thì vượt đi".
Một bữa khác, tôi phanh cháy đường, ngã dúi dụi khi một người chạy xe đạp bất ngờ phóng từ phía sau lên rồi tạt đầu xe tôi. Vì xe đạp không phát ra tiếng động cơ nên tôi hoàn toàn không có sự đề phòng, giật mình bóp thắng và ngã nhào. Cũng may đường lúc đó không quá đông nên tôi không bị nặng, chỉ trầy xước da đôi chút. Có điều, bản thân vẫn mang nỗi hậm hực vì người đi xe đạp kia chỉ ngoái nhìn lại lạnh tanh rồi phóng xe đi thẳng, mặc kệ tôi nằm đó.
>> Phạt 200.000 đồng khó ngăn 'dân chơi' xe đạp chiếm đường ôtô
Điều đáng nói là phần đông những người có sở thích tụ tập đạp xe thể dục này đều ở độ tuổi trung niên, không ít người đã già. Có vẻ như họ nghĩ xe đạp nên được quyền phá luật, các phương tiện khác phải tự tránh, nên mạnh ai nấy chạy. Đường cấm cũng chạy, đèn đỏ cũng chạy, ngược chiều cũng chạy bất chấp... Nhiều khi tôi rất bức xúc mà không biết phải làm gì. Tôi đi xe máy mà phải chạy chậm, đúng làn, trong khi họ đi xe đạp cứ mặc sức phóng ào ào ngoài làn ôtô. Nếu ai chẳng may va chạm với họ, chắc chắn sẽ bị bắt đền, làm khó, dù đôi khi chính họ là nguyên nhân tai nạn.
Có một thực tế là mức phạt dành cho các lỗi vi phạm giao thông của người đi xe đạp đang quá nhẹ. Nghị định 100 quy định, xe đạp đi vào đường cấm thì bị phạt 200.000 - 300.000 đồng; không chấp hành đèn tín hiệu giao thông bị phạt 100.000 - 200.000 đồng. Chưa kể rất ít lực lượng chức năng tập trung bắt phạt xe đạp. Nó làm cho người tham gia giao thông cảm giác như đi xe đạp thì không cần tuân thủ luật pháp.
Do đó, tôi cho rằng, muốn hạn chế tình trạng chạy xe đạp ẩu, cần tăng mức phạt cho hành vi vi phạm luật giao thông của những người sử dụng phương tiện này. Việc xử phạt mang tính chất nhắc nhở như hiện nay không còn phù hợp nữa. Vì phần đông những người đi xe đạp phạm luật đều là cố tình nhờn luật chứ không phải vô ý.
Ví dụ, cùng là lỗi vượt đèn đỏ, ôtô, xe máy bị phạt rất nặng, thậm chí bị thu bằng, giữ xe... nên người ta rất có ý thức chấp hành luật. Ngược lại, người đi xe đạp vẫn nhởn nhơ với tâm lý "làm gì có ai phạt". Trong khi thực tế những chiếc xe đạp thể thao ngày nay còn có giá trị cao hơn cả một chiếc xe máy phổ thông.
Tình trạng người đi xe đạp không tuân thủ Luật giao thông đang diễn ra ngày một nhiều ở khắp nơi, đặc biệt là tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM. Vì thế, bên cạnh việc nâng mức xử phạt người đi xe đạp vi phạm giao thông lên ngang bằng với các phương tiện khác, cần bổ sung hình phạt tịch thu phương tiện, phạt lao động công ích để nâng cao ý thức người đi xe đạp. Có như vậy mới lập lại được trật tự và công bằng trên đường phố.
Nhất Phạm
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.