Xung quanh quy định mới: "Người đi xe đạp có nồng độ cồn sẽ bị phạt 600.000 đồng", nhiều độc giả VnExpress đã bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ:
Tôi hoàn toàn ủng hộ Luật này. Tai nạn giao thông chủ yếu do tài xế (mọi loại phương tiện) có sử dụng chất kích thích như: ma tuý, rượu, bia. Nên cấm là đúng để giảm thiểu tai nạn, giảm đau thương mất mát. Ai đã có ý định uống rượu bia nên sử dụng phương tiện công cộng như xe buýt, taxi, xe ôm.
Tôi là người hay uống mỗi khi có dịp gặp gỡ bạn bè, đồng nghiệp, nhưng hoàn toàn ủng hộ, và sẽ tuân thủ nghiêm túc. Từ lâu, mỗi khi có việc cần uống, tôi đã chọn đi taxi hay nhờ ai đó chở về. An toàn cho bản thân và xã hội.
Tôi cũng là người có sử dụng bia nhưng không uống rượu và tôi ủng hộ các mức phạt này, phạt thật nặng để bớt uống rượu bia bê tha.
Tôi tán thành hoàn toàn việc xử phạt người đi xe đạp uống rượu xay xỉn. Nông dân làng tôi làm ruộng về toàn đi nhậu bằng xe đạp.
Tôi là người nhậu rất thường xuyên, tôi nhiệt tình ủng hộ tất cả các phương án và hình thức xử phạt đối với người có nồng độ cồn mà lái xe. Phương án đưa ra là gọi taxi hoặc gọi điện thoại cho người thân chở về.
Tuy nhiên, không ít ý kiến đặt dấu hỏi về tính khả thi của hình thức xử phạt này đối với người đi xe đạp:
Đi xe đạp mà phạt 600.000 đồng, tôi khẳng định nhiều người sẽ bỏ xe lại mà đi về nhà luôn.
Xe đạp giá 400.000 đồng, xử phạt 600.000 đồng thì họ sẽ bỏ xe, khi ấy phải xử lý như thế nào?
Những người ngồi lên xe đạp mà uống rượu đa phần có hoàn cảnh và tất nhiên cái xe cũng chẳng có giá trị gì so với mức phạt. Không giấy phép lái xe, xe không đăng ký và giá trị cái xe không bằng 1/3 mức phạt thì chúng ta có thể hình dung ra kết quả. Theo tôi không khả thi và biện pháp hiệu quả nhất là tuyên truyền, giáo dục.
Phạt thì đúng, nhưng phải ra thêm cách giải quyết nữa. nếu phạt xe cà tàng, người vi phạm bỏ xe, vậy công an phải chất vào kho và đợi đến ngày thanh lý sao? Kho chứa được bao nhiêu chiếc? Phải bắt buộc người vi phạm đóng phạt, nếu không đóng sẽ bị chuyển qua phạt tù 1-3 tháng hoặc án treo với hành vi bỏ phương tiện lại cho công an giải quyết. Luật phải triệt để và răn đe thì mới được.
Có ai đạp xe đi nhậu đâu mà phạt, mà có thỏi còi giữ lại, họ bỏ xe lại cũng chẳng biết tìm ở đâu, không lẽ lấy xe đạp về bán sắt vụn sao?
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.