Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến bộ ngành về hai phương án nghỉ Tết Giáp Thìn, đều kéo dài 7 ngày, chỉ khác thời điểm nghỉ từ 29 hoặc 30 tháng Chạp. Nhìn lại lịch nghỉ Tết Nguyên đán từ năm 2015 đến nay, phần lớn thời điểm nghỉ luôn cận Tết một đến hai ngày. Trong khi đó, nhiều lao động muốn được nghỉ sớm trước Tết thay vì nghỉ dài.
Cho rằng việc nghỉ sát Tết khiến nhiều người cảm thấy mệt mỏi, độc giả Thutrangedv nhận định: "Châu Âu đang dần theo mô hình làm việc chỉ bốn ngày một tuần (nghĩa là mỗi tuần họ đều có ba ngày nghỉ). Nghĩ mà thèm, nhưng đất nước ta còn nghèo nên phải cố gắng làm nhiều hơn. Có điều, Việt Nam cả năm được mỗi một dịp nghỉ Tết dài ngày nhưng toàn sát nút mới được nghỉ (29, 30 âm lịch). Trong khi thực tế, mọi người toàn phải chạy vội mỗi khi cận kề Tết. Từ 25 âm lịch trở đi là người người phải tranh thủ thời gian làm việc để đi mua sắm Tết, ai cũng vội vã, hối hả. Điều đó làm mất đi ý nghĩa ngày Tết. Bản thân tôi cũng chẳng còn mặn mà với ngày Tết nữa vì mệt nhiều hơn vui".
Đồng quan điểm, bạn đọc Thaothanhpham nhấn mạnh: "Theo tôi Việt Nam nên tăng số ngày nghỉ Tết. Thật ra, mấy ngày cuối năm cũng không còn nhiều việc để làm, trong khi nghỉ sát Tết sẽ rất khó cho những người ở các tỉnh xa. Nhiều người không thể về quê đón Tết do không mua được vé tàu, xe từ sớm. Những ngày cuối năm, ai cũng tranh thủ đi mua sắm, chợ búa gây ùn tắc giao thông nghiêm trọng. Tôi rất mệt khi đi xe ngoài đường vào những ngày này. Hơn nữa, vui là nhờ vào những ngày trước Tết khi cả gia đình cùng nhau dọn dẹp, đi chợ sắm sửa cho ngày Tết. Thế nên, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội nên xem xét và cân nhắc về việc cho người lao động nghỉ Tết sớm".
"Trước tết là thời gian người dân mua sắm rất nhiều và các siêu thị cũng giảm giá các loại mặt hàng. Đây là một dịp cực tốt để thúc đẩy kinh tế. Vậy mà chúng ta vẫn cứ mãi loanh quanh với việc cố thêm một, hai ngày công lao động. Để rồi cuối cùng, nghỉ cận Tết, người ta lại o ép, 'chặt chém' nhau, giá cả hàng hóa đắt đỏ, người dân không dám chi tiêu nhiều, người bán ế ẩm lại phải đem bỏ... Chẳng hiểu sao cứ để 29, 30 âm lịch mới nghỉ Tết, rất cồng kềnh", độc giả Bình Luận nói thêm.
>> Cần nhiều ngày nghỉ trước Tết
Đứng trên góc độ kinh tế, bạn đọc Liemnt cũng ủng hộ nghỉ Tết sớm: "Theo tôi, muốn kinh tế phát triển thì phải đẩy mạnh sức tiêu dùng của người dân. Nếu người lao động được nghỉ Tết sớm, họ sẽ có thể đi mua sắm được nhiều thứ hơn, có thời gian lựa chọn những sản phẩm phù hợp hơn với tình hình kinh tế gia đình hiện tại. Người dân cũng có thời gian đi chơi nhiều hơn nên sẽ tiêu tiền nhiều hơn. Và sau kỳ nghỉ, người dân sẽ có đủ sức khỏe và tinh thần để làm việc tốt, chăm chỉ hơn".
Cùng chung suy nghĩ, độc giả Nguyễn Mạnh phân tích: "Nghỉ quá sát Tết là một điều rất bất cập. Rất nhiều lý do hạn chế có thể kể ra mà ai cũng thấy. Sắp xếp để nghỉ Tết không phải khi gần Tết mới nghĩ đến, mà phải có kế hoạch ngay từ đầu năm. Cơ quan của chúng tôi trước đây cũng làm việc đến những ngày cận Tết, có lúc làm đến 30 Tết mới nghỉ. Tuy nhiên, sau khi người lao động góp ý, công việc đã được dồn sang những ngày tháng đầu năm mới để nhân viên được nghỉ sớm hơn. Từ đó, không ai còn bị áp lực Tết nữa. Do vậy, hãy sắp xếp cho người lao động nghỉ Tết sớm và lịch nghỉ chính thức cần thông báo ngay từ đầu năm".
Mong đợi những thay đổi về kế hoạch nghỉ Tết để người lao động có thêm thời gian chuẩn bị, bạn đọc Trong Tien bày tỏ: "Cần nghiên cứu lại việc nghỉ lễ cho hợp lý. Cả năm mới có ngày Tết để về sum họp với gia đình, chưa kể trước Tết còn bao việc như sắm sửa đồ đạc, sửa sang phần mộ, nhà cửa... Theo tôi, nên cho người lao động nghỉ sớm từ 27 Tết vì thực tế sau ngày Mùng Hai Tết là chẳng còn không khí nữa rồi. Hoặc cũng có thể cân nhắc bớt những đợt nghỉ dài trong năm khoảng một, hai ngày cho người dân nghỉ sớm vào đợt Tết sẽ hợp lý hơn rất nhiều".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.