Mụn trứng cá ở lưng là các sẩn mụn mủ đỏ, viêm hoặc có thể là mụn đầu đen, mụn đầu trắng... Mụn có thể nổi dọc theo vai, lưng trên, khắp lưng hoặc xuống đến thắt lưng. Những mụn này có thể gây đau, phát triển thành cụm để lại sẹo xấu nếu không điều trị đúng cách.
Tình trạng này do tuyến bã nhờn hoạt động quá mức, tích tụ tế bào chết, bụi bẩn, bã nhờn trên da làm tắc nghẽn lỗ chân lông sinh mụn. Đồng thời, vi khuẩn C.acnes cư trú trên da tăng sinh gây viêm và thay đổi sự sản sinh chất béo, hoạt động tiết bã tạo nên nút sừng nang lông.
Thạc sĩ, bác sĩ Vũ Thị Thùy Trang, chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết người đang mang thai, trẻ ở tuổi dậy thì có nhiều khả năng bị mụn trứng cá hơn khi nồng độ hormone thay đổi. Căng thẳng, lo lắng, tác dụng phụ của một số thuốc như corticosteroid và tác động hệ nội tiết, làm xáo trộn, mất cân bằng gây mụn trứng cá ở lưng hoặc khiến mụn nặng hơn.
Theo bác sĩ Trang, hầu hết trường hợp mụn trứng cá lưng mức độ nhẹ hoặc trung bình có thể khỏi bằng cách thay đổi lối sống kết hợp một số phương pháp điều trị tại nhà.
Cụ thể, người bệnh có thể sử dụng các loại kem, gel trị mụn không kê đơn có chứa các thành phần như benzoyl peroxide, adapalene, axit salicylic... giúp làm khô cồi mụn cũ, ngăn mụn mới hình thành, tiêu diệt vi khuẩn gây mụn, tẩy tế bào chết trên da, ngăn ngừa lỗ chân lông bị tắc nghẽn do vi khuẩn. Sữa tắm có thành phần chống mụn trứng cá chứa axit salicylic giúp thông thoáng lỗ chân lông, tiêu diệt vi khuẩn gây mụn.
Người bị mụn lưng nên tránh sử dụng một số loại thuốc, bao gồm androgen, lithium làm tăng khả năng phát triển mụn trứng cá. Nếu người bệnh đang dùng các loại thuốc này cần thông báo với bác sĩ để có phương pháp điều trị phù hợp.
Người bị mụn lưng cần vệ sinh cơ thể sạch sẽ. Sau một ngày làm việc, nhất là sau khi vận động mạnh, tập thể thao hay hoạt động đổ nhiều mồ hôi, tắm rửa sạch có thể loại bỏ bụi bẩn, mồ hôi, vi khuẩn, thông thoáng nang lông. Quần áo bẩn hàng ngày cần giặt giũ và phơi khô càng sớm càng tốt. Giặt ga trải giường 1-2 lần mỗi tuần để loại bỏ vi khuẩn, tế bào da chết gây tắc nghẽn lỗ chân lông hình thành mụn trứng cá ở lưng.
Để tránh mồ hôi, bụi bẩn cọ xát vào da và bít lỗ chân lông, nên mặc quần áo rộng rãi, chất liệu vải thông thoáng, thấm hút mồ hôi, nhất là khi vận động nhiều. Hạn chế mặc những bộ đồ bó sát trong những ngày nắng nóng. Giảm nhẹ áp lực lên lưng như balo, dụng cụ thể thao, nẹp lưng giúp giảm ma sát, kích ứng da.
Tẩy tế bào chết cơ thể một lần một tuần bằng các sản phẩm dịu nhẹ có thành phần như axit salicylic, nhờ đó loại bỏ chất bẩn và dầu thừa, tế bào chết trên da hiệu quả hơn so với chỉ dùng xà bông hay sữa tắm. Không nên cào gãi, tự nặn mụn lưng vì có thể gây nhiễm trùng da, bội nhiễm, để lại sẹo.
Dù bị mụn, dưỡng ẩm vẫn cần thiết để da không thô ráp. Độ ẩm của da ổn định cũng góp phần giảm độ tiết nhờn để giảm mụn. Nên chọn các sản phẩm dưỡng ẩm dịu nhẹ, có thành phần không gây mụn và không chứa hương liệu.
Các sản phẩm chăm sóc da có chứa dầu, như kem dưỡng ẩm, kem chống nắng, mỹ phẩm dễ dẫn đến mụn trứng cá ở lưng. Người bệnh nên chọn các sản phẩm dán nhãn không gây mụn (không làm tắc nghẽn lỗ chân lông). Bác sĩ Trang khuyến cáo người bị mụn không nên dùng các sản phẩm như kem lột mụn, rượu thuốc trị mụn hoặc các bài thuốc trị mụn không rõ nguồn gốc, thành phần và xuất xứ để tránh biến chứng.
Người bệnh nên hạn chế ăn đồ ngọt, thức uống có cồn, cà phê, hút thuốc lá... Uống ít nhất hai lít nước mỗi ngày, ngủ đủ 8 tiếng, tập thể dục điều độ, ăn nhiều trái cây và rau xanh góp phần ngăn ngừa mụn.
Trường hợp mụn lưng nặng với số lượng mụn bọc hoặc mụn nang nhiều, mụn thường xuyên tái phát hoặc không đáp ứng các cách điều trị tại nhà, vùng da mụn viêm sưng tấy nặng, nhiễm trùng, người bệnh cần tới bác sĩ da liễu để điều trị chuyên sâu.
Anh Thư
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh da liễu - thẩm mỹ da tại đây để bác sĩ giải đáp |