Trả lời:
Da là một phần của hệ thống miễn dịch giúp chống lại các vật thể lạ xâm nhập như vi khuẩn, virus. Ở người bị chàm, hệ thống miễn dịch phản ứng quá mức khiến da viêm và ngứa. Chàm bàn tay chủ yếu ảnh hưởng đến mặt lòng bàn tay, ngoài ra còn có các vùng khác của bàn tay.
Mất vân tay do chàm là tình trạng viêm da ở đầu ngón tay dẫn đến bong tróc da. Bệnh không được điều trị kịp thời, tái phát nhiều lần có thể làm mờ dấu vân tay hoặc mất hẳn. Bệnh không lây nhiễm nhưng có xu hướng lan qua vùng da khác của cơ thể. Mất vân tay do chàm tuy không nguy hiểm nhưng gây khó khăn trong sinh hoạt.
Bệnh chàm bàn tay hiện chưa có thuốc điều trị khỏi hoàn toàn, dễ tái phát. Tuy nhiên, có các giải pháp điều trị triệu chứng giúp phục hồi vân tay. Bạn nên đến khám tại chuyên khoa da liễu để bác sĩ đánh giá tình trạng, xác định bệnh và có phương pháp điều trị phù hợp như thuốc bôi hoặc uống, thuốc chống dị ứng, kem dưỡng ẩm...
Có nhiều yếu tố gây tái phát chàm bàn tay, trong đó nguyên nhân chính là tiếp xúc với các yếu tố kích hoạt như hóa chất trong nước rửa chén, chất tẩy rửa, nước giặt, nước rửa tay... Căng thẳng, stress, suy giảm hệ miễn dịch cũng thúc đẩy phát triển bệnh. Do đó, bạn nên mang bao tay khi phải tiếp xúc hóa chất, không tắm nước quá nóng, sử dụng xà bông tắm, rửa tay dịu nhẹ, dưỡng ẩm da nhiều lần trong ngày...
Bệnh chàm có biểu hiện khác nhau tùy từng giai đoạn. Ở giai đoạn cấp tính da bàn tay ửng đỏ, nổi mụn nước li ti, ngứa, đóng vảy, tiết dịch. Nếu người bệnh gãi nhiều làm trầy xước da có nguy cơ bị vi khuẩn tấn công. Giai đoạn bán cấp các biểu hiện không dữ dội, ít phù nề, không chảy dịch, giống đang lành. Tuy nhiên, đây chỉ là một thời kỳ của bệnh. Giai đoạn mạn tính da đóng vảy dày, cứng ở đầu ngón tay, ngứa, bong tróc. Người bệnh có các dấu hiệu của bệnh chàm bàn tay nên khám sớm.
Thạc sĩ, bác sĩ CKI Phạm Trường An
Đơn vị Da liễu - Thẩm mỹ Da
Phòng khám đa khoa Tâm Anh Quận 7
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh da liễu tại đây để bác sĩ giải đáp |