Tôi là một người đàn ông từng trải qua bệnh trầm cảm, muốn có đôi lời chia sẻ vẻ với những người đã và đang phải gồng mình chịu stress vì áp lực đàn ông phải là trụ cột gia đình, phải mạnh mẽ. Trước hết, tôi muốn khẳng định rằng, việc cố chia sẻ tâm tư với người khác hoàn toàn không hề sai. Ngược lại, đối với tôi, những người cố che giấu áp lực tinh thần mà nhẫn nhịn, nén chịu cảm xúc bằng vẻ bề ngoài mạnh mẽ giả tạo mới là kẻ yếu đuối thực sự.
Gia đình tôi cũng có rất nhiều người phải chịu áp lực cuộc sống hằng ngày nên vô cùng thấu hiểu. Nhớ ngày xưa, bố tôi cũng từng rơi vào tình cảnh như vậy, rồi cũng cố nén chịu. Lúc đó, cả ông bà nội và mẹ tôi đều không chịu thấu hiểu cho bố. Mãi đến khi tôi ra mặt an ủi thì ông mới gục đầu vào vai tôi mà khóc nức nở. Tiếng khóc của ông đến bây giờ tôi vẫn không thể nào quên được.
Nhưng tôi không bao giờ cho rằng bố mình yếu đuối. Bằng chứng là quãng thời gian sau đó, ông đã vực dậy lại được và cố gắng vun đắp cho gia đình đầy đủ, hạnh phúc. Tất nhiên, tôi luôn cho ông mượn một bờ vai mỗi khi ông muốn khóc. Bản thân tôi cũng cảm thấy mình mạnh mẽ hơn khi làm vậy.
Trầm cảm là con đường ngắn nhất để dẫn đến bệnh tâm thần. Sở dĩ những chuyện phái mạnh từ chối nhận mình bị bệnh trầm cảm đến từ nguyên nhân là định kiến xã hội dành cho người tâm thần còn quá tiêu cực.
>> Áp lực 'nam tính' của đàn ông Việt
Tôi có một người bạn, vì thừa nhận mình bị trầm cảm mà cả vợ con, họ hàng, người thân đều xa lánh và coi thường, xem là yếu đuối, đến mức anh suýt tìm đến cái chết để tự giải thoát. Cũng may, sau đó gia đình phát hiện kịp thời và đưa anh đi cứu chữa.
Khi đến thăm bạn trong bệnh viện, tôi cũng có góp ý với gia đình bạn rằng nên mở lòng hơn để anh sớm tìm cách trị liệu tâm lý. Tuy vậy, tôi lại cảm nhận được rằng người nhà họ không có vẻ là muốn hiểu ý tôi. Mẹ bạn thậm chí còn tiêu cực đến mức không chịu thừa nhận con trai mình có vấn đề tâm lý và cho rằng "chỉ muốn kiếm cớ để lười biếng".
Đến giờ, bạn tôi vẫn chưa xuất viện được và tôi vẫn lo rằng nếu thái độ gia đình không đổi thì cho dù bạn có ra viện thì cũng sẽ lại tiếp tục hành động dại dột. Thế mới thấy, bệnh trầm cảm không chỉ đến từ áp lực mà nguyên do chủ yếu xuất phát từ gia đình. Bản thân người bị trầm cảm đã rất khổ sở rồi mà còn phải nghe những điều tiếng tiêu cực từ chính người thân bên cạnh mỗi ngày thì chẳng khác gì đẩy họ vào đường cùng.
Thông qua bài viết này, tôi mong mọi người có thể giảm bớt ánh nhìn tiêu cực với những bệnh nhân tâm thần hoặc người bị trầm cảm. Vì chẳng ai trên thế giới này muốn mình có vấn đề về thần kinh cả.
>> Bạn có đang gặp vấn đề về tâm lý vì áp lực đàn ông phải mạnh mẽ? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.
- Không cho con trai làm việc nhà vì sợ 'mất khí chất đàn ông'
- Tranh giành 'trách nhiệm tối thiểu, quyền lợi tối đa' nhân danh bình đẳng giới
- Tiêu chuẩn mạnh mẽ, nam tính đóng khung đàn ông Việt
- Nhiều đàn ông Việt thích đo nam tính bằng hút thuốc, uống rượu
- 'Đàn ông lương thấp dễ bị vợ coi thường'
- Đàn ông Việt bị tước quyền được yếu đuối