Khi những người vì nữ quyền (feminists) mà mong mỏi và đấu tranh cho bình đẳng giới, họ chính là đang tranh đấu cho quyền được sống thật và lựa chọn cách sống tốt nhất cho bản thân của người ở cả hai (và mọi) giới. Đàn ông được phép yếu đuối tức là phụ nữ được phép mạnh mẽ, và ngược lại.
Vai trò giới đòi hỏi người phụ nữ phải "xây tổ ấm" đi đôi với vai trò giới đòi hỏi người đàn ông phải "xây nhà". Khi con người ta không chịu thực hiện những vai trò giới đó, hoặc thực hiện không đủ tốt, họ sẽ chịu không ít sự cười chê, phân biệt, thậm chí là kì thị, miệt thị từ xã hội.
Cá nhân tôi suy nghĩ giống tác giả bài viết "Áp lực 'nam tính' của đàn ông Việt". Việc dám vượt ra khỏi vai trò giới và đi ngược lại định kiến giới là một sự can đảm lẫn nhu cầu cần thiết cho sự phát triển của xã hội tiến bộ. Những người đàn ông tốt nhất mà tôi thân là những người thường bị (xã hội định kiến) xem là yếu đuối, nhu nhược. Nhưng với tôi họ không kém cỏi, mà ngược lại là những người đầy tự trọng. Họ bản lĩnh hơn nhiều so với những người mà tiếng Anh gọi là "macho" (nam tính độc hại).
Ví dụ, một số người không ngại bắt nạt người khác với danh nghĩa bảo vệ vợ con (nhưng thật ra chỉ là đang bảo vệ cái tôi của mình). Với tôi, điều đó vừa xấu xí vừa hài hước. Vì chính những đấng nam nhi tự xưng đó mới là người mỗi ngày buộc vợ con phải sống vì chồng, vì cha trước nhất. Tôi ủng hộ các bạn nam thể hiện cảm xúc lẫn sự dễ bị tổn thương (vulnerable) của mình, và chúc các bạn tiếp tục can đảm để làm điều đó.
>> 'Đàn ông thời nay có quá nhiều áp lực'
Thầy tôi, đã hơn 70 tuổi. Cả đời thầy là người vừa đi làm, vừa đi chợ, nấu ăn, dọn dẹp. Khi con nhỏ, thầy chăm sóc mọi thứ (chứ không chỉ là chơi với con theo kiểu đàn ông của gia đình trừu tượng). Con lớn, thầy vẫn luôn lo cho mọi người trước. Tôi sang chơi, thầy mới họa hoằn được đứng nghỉ, vì tôi nài nỉ, kỳ kèo thầy cho mình phụ nấu, và giành rửa dọn bát đĩa.
Cũng vì vậy mà tôi và thầy hay nửa đùa nửa thật với nhau rằng thầy có khác chi là phụ nữ Việt. Và sự thật là cái gì thầy tôi cũng ôm vào mình, đến nỗi thiệt hại sức khỏe bản thân mà cũng chưa chắc nhận lại được sự trân trọng, quan tâm (thật sự) từ người khác. Tôi nói với người thân của tôi rằng khi tôi nói ai giống đàn bà tức là tôi đang khen người đó.
Là phụ nữ, tôi nhận thức được mình càng độc lập mới càng bảo vệ được mình. Nhìn thấy gia đình, xã hội càng nhiều bất công, tôi càng tự nhủ phải cố gắng trau dồi để tìm con đường riêng và góp sức giúp loại bỏ bớt những bất công đó. Còn với đàn ông, tôi nghĩ họ chịu áp lực lúc nào cũng phải mạnh mẽ. Khi một người bị gãy chân mà bắt họ phải chạy, thay vì dưỡng thương, thì chuyện gục ngã là sớm muộn.
Xã hội luôn đặt lên vai chúng ta những kỳ vọng nhất định, cho nên không thể nói là đừng đổ lỗi cho môi trường. Người vượt qua được những định kiến đó có thể là người may mắn chứ chưa chắc đã là người mạnh mẽ.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.