Vô định, lạc lõng là trạng thái muôn thuở của loài người và lẽ tất nhiên, những người đàn ông trưởng thành cũng chẳng tránh khỏi trạng thái ấy. Tôi nói đến những người đàn ông vì nhiều khi nghĩ đến bố, tôi dường như nhìn thấy sự cô đơn trong ông và những người đàn ông trưởng thành đã bị xã hội hiện đại thờ ơ, coi nhẹ.
Bố tôi là một công nhân viên chức bình thường, sống với gia đình bảy người gồm cha, mẹ, vợ và ba đứa con. Yên ả, bình lặng là những tính từ có thể dùng để nói về cuộc sống của bố. Nhưng nếu chỉ miêu tả bố qua những khung tiêu chuẩn xã hội về gia đình, công việc như vậy, tôi cảm giác mình đã xem nhẹ đời sống tâm hồn của bố, cũng như những người đàn ông trưởng thành khác ngoài kia.
Bố tôi yêu cây, nhà tôi xanh rì những cây cỏ. Bố thích nghe nhạc, nhà tôi lâu lâu vang lên tiếng nhạc từ loa to đến loa nhỏ. Bố mê những món đồ cũ, nhà tôi có mấy cái điện thoại cũ, đồng hồ cũ trên kệ. Bố tôi dành lòng trìu mến với những con chim, nhà tôi thi thoảng lại có bóng dáng một vài loại chim chóc ghé tới... Hẳn mọi người sẽ nghĩ, vậy bố tôi có những thứ bố muốn rồi còn gì? Nhưng không, nhiều lúc tôi thấy bố cô đơn quá chừng.
Bố tôi đi uống bia nhiều, một phần vì công việc, nhưng phần khác, tôi cảm thấy, là do bố không biết đi đâu, không biết phải làm gì để chạy khỏi cái thực tại nhàn nhạt. Rồi đôi khi, tôi thương bố và thấy thương cả những người đàn ông khác đã bị xã hội đã tước khỏi bố và họ quyền được yếu đuối, được khóc, được ỉ ê buông mình chốc lát trong buồn sầu hay được sung sướng với thú vui bé nhỏ.
>> Áp lực 'nam tính' của đàn ông Việt
Xã hội dựng lên những tiêu chuẩn cho người đàn ông như phải là một trụ cột, phải mạnh mẽ, kiên cường và có khả năng gồng gánh cả gia đình trên vai... Tôi biết có những người đàn ông có thể bay bổng và nuôi chiều những niềm yêu thích của bản thân, nhưng dường như cơ hội và quyền đó không dành cho tất cả.
Bố tôi nhạy cảm và yêu thích những thứ nhỏ bé, giản dị như vậy, nhưng chẳng ai để bố thực sự san sẻ tình yêu đó. Tôi vẫn thi thoảng thấy mọi người trêu đùa bố về niềm yêu cây cỏ, hoa lá và nỗi mê mẩn sự hoài cổ. Mẹ tôi tôn trọng niềm yêu thích của bố, nhưng mẹ không thực sự hiểu. Ông bà không hiểu, những người bạn nhậu cùng bàn cũng không thực sự hiểu ông.
Có vài lần bố dẫn một vài người bạn về nhà để nghe thử loa. Nhưng lâu lắm rồi họ không xuất hiện nữa. Và tôi không biết bố có nhớ không, nhưng tôi nhớ những lần ấy, khi mọi người bàn về âm thanh từ loa có vang hay không, trong hay không và cùng lắng tai nghe những bài nhạc. Thế mà đời sống hiện tại đã cuốn họ về đâu, tôi không biết.
Nếu có một điều ước dành cho những người đàn ông trong xã hội hiện đại như bố, tôi sẽ ước rằng họ sẽ có một nơi chốn không bị đặt trong những khuôn mẫu và định chế xã hội, một nơi mà tâm hồn được xoa dịu và trở nên êm ả, một nơi nào đó không phải quán bia – địa điểm mà người ta tìm đến để vui và để quên lãng.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.