Anh Hùng làm kinh doanh, song từ năm 2021 gặp nhiều khó khăn, luôn phải nghĩ cách tìm thêm đối tác, xoay dòng tiền, cân đối đầu tư... Áp lực khiến người đàn ông nhiều đêm thức trắng, giảm cân, suy giảm tình dục, suy nghĩ tiêu cực, vợ khuyên đi khám tâm lý nhưng anh từ chối, nói rằng: "Anh ổn, cả nhà không cần lo".
Vài tháng sau, người vợ bất ngờ phát hiện lá thư tuyệt mệnh anh Hùng gõ dở trên máy tính. Trong thư, anh nhấn mạnh nhiều lần: "Mong vợ con sống thật tốt". Lập tức, chị cùng gia đình gây sức ép đưa anh đến Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, cuối tháng 4.
Bác sĩ Vũ Sơn Tùng, Phó Trưởng Phòng Điều trị Rối loạn cảm xúc, chẩn đoán bệnh nhân bị trầm cảm nặng. Ban đầu, người đàn ông chối bỏ bệnh tật, không chia sẻ cảm xúc hay thông tin gì với y bác sĩ. Cuối cùng, bằng các kỹ năng trò chuyện, bác sĩ được bệnh nhân nói bản thân bị stress, căng thẳng nhiều năm nhưng không biết cách giải tỏa. Kinh tế khó khăn càng khiến anh khổ sở, dẫn đến ý nghĩ muốn từ bỏ cuộc sống.
Tương tự, Kiên, 35 tuổi, cũng gặp áp lực kinh doanh, uống bia rượu nhiều, khiến anh bị bệnh dạ dày và trào ngược thực quản nặng, liên tục nhập viện điều trị. Nhiều dịp cuối tuần, anh ốm mệt, không thể đưa vợ con đi chơi, từ đó sinh mặc cảm bản thân yếu đuối, kém cỏi, không chăm sóc được gia đình. Dần dần, anh bỏ việc, không muốn tiếp xúc với xã hội, trở thành một người lầm lì, ít giao tiếp, hay cáu gắt.
Thấy chồng có biểu hiện trầm cảm, vợ động viên anh đi khám nhưng người đàn ông từ chối, không tin mình mắc bệnh. Tình trạng nghiêm trọng hơn, anh thường xuyên chửi bới và nói: "Muốn chết quách đi".
Bác sĩ Tùng chẩn đoán anh bị trầm cảm, phác đồ điều trị là hóa dược kết hợp tâm lý, vật lý trị liệu.
Hiện, mỗi tháng Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận khoảng 8.000 bệnh nhân khám ngoại trú có rối loạn tâm thần, gần 5.000 điều trị tại Viện Sức khỏe Tâm thần. Trong đó, 15% bệnh nhân nội trú được chẩn đoán trầm cảm, độ tuổi hay gặp là 40, nam ít hơn nữ nhưng tình trạng bệnh nặng hơn. Bộ Y tế ước tính khoảng gần 6 triệu người Việt mắc bệnh, theo thống kê năm 2022.
Bác sĩ Tùng nhận định một trong nguyên nhân khiến nam giới không thừa nhận bệnh tật là do họ quan niệm bản thân là phái mạnh, cần kiên cường, gồng mình chống chọi khó khăn. Khi đến khám, những người này cũng không cởi mở nói chuyện, trong khi phụ nữ dễ bộc lộ cảm xúc hơn, dễ khóc, dễ cười.
"Việc chịu đựng stress trong thời gian dài khiến nam giới dễ bị trầm cảm nặng, xu hướng tự sát cũng nhiều hơn", ông Tùng nói. Theo Medical Daily, trầm cảm là nguyên nhân chính dẫn đến tự sát. Mỗi năm, khoảng 850.000 người chết vì căn bệnh này, theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Các biểu hiện thường gặp ở nam giới bao gồm cáu gắt, ức chế tâm lý, thường thu mình, né tránh bệnh tật. Nếu tình trạng nhẹ, bệnh nhân chỉ cần điều trị tâm lý, còn nặng phải dùng thuốc, ảnh hưởng sức khỏe, kéo dài thời gian trị liệu, gây nhiều biến chứng. Ngoài ra, khi điều trị kéo dài, bệnh nhân giảm sức lao động khiến họ càng áp lực.
Bác sĩ Tùng cho rằng stress là một phần tất yếu của cuộc sống hiện đại, điều quan trọng là cần nhận ra bản thân gặp vấn đề và đánh giá tình trạng này ở góc độ tích cực. Từ đó, mỗi người nên học và tập luyện các kỹ năng ứng phó để giúp tâm lý cân bằng, không căng thẳng mạn tính, nguy cơ cao dẫn đến các bệnh nghiêm trọng khác. Các kỹ năng được bác sĩ khuyến cáo là thiền, tập thể dục như chạy bộ, ăn uống lành mạnh, tìm ra các thú vui, gặp gỡ bạn bè, hoạt động thiện nguyện... Trường hợp nặng nên khám bác sĩ chuyên khoa tâm thần để được điều trị bằng thuốc và liệu pháp nhận thức hành vi.
Anh Hùng và anh Kiên đều được điều trị bằng thuốc cùng các liệu pháp tâm lý. Riêng anh Hùng là bệnh nhân nặng nên được kết hợp thêm phương pháp điều trị điều biến não bằng máy kích thích từ xuyên sọ, vật lý trị liệu.
"Trầm cảm là một căn bệnh và chẳng có gì xấu hổ nếu bạn tìm cách chữa trị. Tương tự như bị đau răng, đau mắt, hãy tìm chuyên gia nếu bạn cảm thấy mình hoặc người thân, bạn bè có dấu hiệu trầm cảm", bác sĩ khuyên.
* Tên nhân vật được thay đổi
Thúy Quỳnh