Những tiến bộ trong lĩnh vực bình đẳng giới ở Việt Nam đã tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia ngày càng nhiều vào mọi mặt của xã hội, cơ hội việc làm, thăng tiến không thua kém nam giới. Vì thế, những gia đình có người vợ thu nhập cao hơn chồng không hiếm. Tuy nhiên, cũng từ đây, những mâu thuẫn trong hôn nhân bắt đầu nổ ra. Quan niệm đàn ông là trụ cột kinh tế từ lâu đã ăn sâu vào tiềm thức của đa số người Việt. Những người chồng có vợ kiếm nhiều tiền hơn, thường xuyên bị vợ càm ràm chuyện kinh tế, sẽ có cảm giác bị lấn át dẫn đến tự ti và chán nản.
Đồng cảm với tâm trạng của những người chồng lương thấp hơn vợ, độc giả Dang Phuong Dung chia sẻ: "Đồng tiền đang được quá nhiều người xem là thước đo giá trị của con người. Phụ nữ lúc nào cũng ra rả đòi bình đẳng giới, nhưng khi thấy người đàn ông không kiếm được tiền thì nhiều người lại oán trách, nhiếc móc. Tôi thấy nam giới ngày càng phải chịu nhiều áp lực, trong khi sự quan tâm, cảm thông của xã hội gần như không có.
Kiếm được tiền hay không cũng phải do nhiều yếu tố tạo nên. Nếu người đàn ông vẫn chăm chỉ, cố gắng làm việc, không chây ì, thì người phụ nữ nên động viên để chồng tiếp tục phấn đấu, tìm ra những cơ hội tăng thu nhập hoặc nên cảm thấy biết ơn người chồng đã toàn tâm toàn ý chăm con, lo việc nhà để vợ yên tâm công tác, thay vì trách móc, coi thường chồng. Chỉ có những người đàn ông lười nhác, thiếu trách nhiệm thì mới đáng bị lên án mà thôi".
Nhìn nhận về khả năng kiếm tiền của mỗi người theo góc độ kinh tế, độc giả Hoang phân tích: "Đối với tôi, ở nước nào, thời nào cũng vậy, luôn có nghề lương thấp và nghề lương cao. Ngoài trình độ của người làm, mức thu nhập còn do cung cầu thị trường ngành đó quyết định. Một số ngành hiếm, xã hội ít cần thì dù người làm rất giỏi nhưng lương vẫn sẽ thấp hơn, cơ hội ít hơn. Ngoài ra, do các yếu tố như chính sách, cơ cấu riêng khiến một số ngành nghề không thể có được mức lương cao.
Tôi xin lấy một số ví dụ: Vincent Van Gogh, Edgar Allen Poe, là các nghệ sĩ xuất chúng trong lịch sử nhân loại, nhưng đương thời họ đều rất nghèo, không có thu nhập từ tác phẩm của mình. Mãi tới khi họ mất, các sáng tác của họ mới được vinh danh, định giá. Hay những người chọn con đường khởi nghiệp, nhất là lĩnh vực nghiên cứu khoa học, thường không có thu nhập ổn định cho tới khi họ ra sản phẩm, kết quả. Hoặc lương bác sĩ Việt Nam hiện nay cũng chưa được tốt, đặc biệt là thời điểm mới ra trường.
Cá nhân tôi, xuất thân từ nghề IT, lương khá tốt. Sau đó, tôi lấn sân sang lĩnh vực tài chính, và hiện tại làm start-up khoa học. Mỗi thời, thu nhập của tôi lại khác nhau, lúc nhiều, lúc bấp bênh, nhưng không mạo hiểm thì chẳng bao giờ có đột phá, không chỉ cho bản thân mà còn cho khoa học nước nhà. Nên nói chung, tôi rất phản đối việc người ta đem thu nhập ra để cân đo, đánh giá giá trị con người. Làm vậy quá phiến diện, bởi thực tế luôn có nhiều khía cạnh cần phải xem xét trước khi đánh giá một ai đó".
Làm gì để giữ hạnh phúc gia đình khi vợ lương cao hơn chồng? Độc giả TXN cho rằng cần xuất phát từ việc thay đổi quan niệm, góc nhìn về vai trò của mỗi người trong gia đình: "Tôi là người đàn ông có vợ lương cao hơn gấp ba lần. Nhưng vợ tôi không bao giờ ca thán. Tbiết vậy nên luôn cố gắng phụ giúp vợ trong việc nhà, mọi việc lớn bé trong gia đình tôi đều làm hết để san sẻ gánh nặng cho vợ, để vợ có thời gian đi làm và dạy con học.
Nói thật, nếu đàn ông lương đã thấp như tôi thì cũng đừng tự ti khi thấy vợ lương cao. Hãy nói với vợ rằng 'em hãy phấn đấu trong sự nghiệp, còn hậu phương hãy để anh lo'. Nhưng người vợ lương cao hơn chồng cũng không nên trách móc làm gì để gia đình bất hòa, ảnh hưởng đến con cái. Bây giờ bình đẳng rồi, người chồng sẵn sàng làm hậu phương cho vợ có sao đâu? Đàn ông hãy làm việc nhà cả buổi để thấy phụ nữ mệt mỏi thế nào nếu phải cáng đáng nhiều nhiệm vụ như thế".
Đồng quan điểm, bạn đọc Linhdth nhấn mạnh: "Người chồng có thể thu nhập thấp hơn vợ nhưng phải chủ động gánh vác các công việc khác trong nhà như chăm lo con cái, nhà cửa vì đàn ông vốn dĩ sức khỏe tốt hơn phụ nữ. Nhiều người đàn ông nghĩ rằng phân công việc nhà, mỗi người làm một nửa là công bằng, trong khi vợ đã phải kiếm nhiều tiền hơn, đó là một sự bất hợp lý. Chưa kể nhiều người đã không là trụ cột kinh tế nhưng vợ bảo gì mới làm nấy cho có.
Thực ra, mọi sự phân chia trách nhiệm trong hôn nhân đều chỉ là tương đối, nhưng đa số người phụ nữ cần người chồng có thể chủ động trong mọi việc, mà quan trọng nhất là chủ động quan tâm chia sẻ, chứ không phải là làm việc nhà thụ động chỉ vì cảm giác thua kém về thu nhập. Khi con người ta có trách nhiệm, họ sẽ biết cách để chủ động mọi vấn đề".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.