Bài hát "Mang tiền về cho mẹ" của Đen Vâu đang trở thành chủ để tranh luận sôi nổi mấy hôm nay. Có người cho rằng hành động đó thể hiện sự quá đề cao vật chất, làm mất đi giá trị thiêng liêng của tình mẫu tử. Tuy nhiên, với tôi, đồng tiền ở đây còn mang nhiều ý nghĩa khác.
Tôi được sinh ra và lớn lên trong một gia đình gia giáo. Thời bấy giờ, lương của bố mẹ tôi không thể đủ để nuôi một đàn con. Mẹ tôi là giáo viên, ngoài giờ lên lớp, bà lại đạp chiếc xe thồ (cả đi lẫn về là 60 km), với hai cái sọt tre chất đầy củ dong riềng đem ra chợ bán, cố đổi lấy chút đồ ăn để nuôi đủ bốn chị em tôi ăn học đàng hoàng, lớn lên có nghề nghiệp tử tế.
Cuộc sống đói rách, chúng tôi cũng đều đã trải qua, nhưng trong suốt tuổi thơ ấy, tôi chưa bao giờ thấy bố mẹ để lộ vẻ nhọc nhằn, mệt mỏi ra trước mặt con cái. Họ cũng chưa một lần đánh mắng chúng tôi dưới áp lực cuộc sống. Chị em tôi được nuôi dạy và khôn lớn với những ký ức đẹp đẽ nhất về một miền quê nghèo ở Bắc Bộ. Đọng lại trong chúng tôi chỉ là tình yêu thương, và sự hy sinh vô bờ bến của cha mẹ như vậy đó.
Giờ đây, khi đã làm cha, làm mẹ, hoài niệm khiến chúng tôi tràn đầy hạnh phúc và biết cách sống có ý nghĩa hơn. Chúng tôi vẫn thường xuyên biếu tiền mỗi lần về thăm cha mẹ. Dù thật lòng, đó không phải là thứ mà bố mẹ cần và đòi hỏi ở chúng tôi. Trên đời này, thử hỏi có ông bố, bà mẹ nào sinh con ra với một mục đích là để nó đi kiếm tiền mang về cho mình? Nếu suy nghĩ vậy thì chẳng thà đừng sinh con làm gì, cứ ở vậy mà thảnh thơi cái thân cho rồi.
Mặt khác, số tiền mà chúng tôi mang về cho bố mẹ có nhiều thế nào cũng không bao giờ là đủ để báo hiếu tất cả công ơn sinh thành, dưỡng dục của bố mẹ. Nhưng với tôi, ít nhất nó cũng góp phần mang lại niềm vui cho cha mẹ, không chỉ bởi giá trị vật chất mà còn là minh chứng cho sự trưởng thành của con cái, đáp lại sự tin tưởng của bố mẹ dành cho chúng tôi suốt bấy lâu nay.
Nói vui, số tiền chị em tôi mang về cả đời này cũng không thể trả hết ân tình cho cha mẹ. Nhưng cảm giác cầm đồng tiền mình tự tay kiếm ra để mang về biếu cha mẹ khiến chúng tôi cảm thấy oai lắm, thăng hoa lắm! Mẹ tôi thường cười tít mắt mỗi lần như vậy, mặc dù bà cũng đầy tiền tiêu rồi. Bố tôi cũng ngày ngày được mẹ cho 50.000 đồng để đi làm, lâu lâu tích lại cũng đủ tiền xăng xe, chẳng thiếu thốn gì. Với họ, niềm vui khi con cái mang tiền về chính là biết con vẫn đang sống tốt, sống an yên.
Chữ "tiền" trong bài hát của Đen cũng như vậy. Đó không đơn thuần chỉ là tiền bạc về vật chất, mà nó còn đại diện cho một người con có tư cách đạo đức tốt, trưởng thành và thành công, trở về báo hiếu cha mẹ và yêu thương gia đình... Thử hỏi, một đưa con hư hỏng, chẳng làm nên trò trống gì, thất bại trong cuộc sống (vì cả lý do khách quan lẫn chủ quan), thì có tiền mang về cho mẹ không? Và cha mẹ khi thấy con mình thiếu thốn như thế liệu có thể an lòng?
Với chúng tôi, hạnh phúc là khi được nâng từng giấc ngủ, từng miếng ăn cho bố mẹ, được chăm sóc họ ngay cả lúc khỏe mạnh, lẫn khi ốm đau. Đó là những kỷ niệm chẳng tiền bạc nào mua được, mà chúng tôi sẽ ghi nhớ mãi trong tim mình. Ý nghĩa của đồng tiền, của tình yêu thương đã đi bên cuộc đời tôi như vậy đó.
Thinh NTN
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.