"Đây là bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt tuổi trẻ nhất tại viện", ThS.BS Nguyễn Tân Cương, Phó khoa Tiết niệu, Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết hôm 21/2, thêm rằng loại ung thư này chủ yếu xảy ra ở nam giới trên 50 tuổi, dưới 40 rất ít gặp.
Gần đây, anh Hùng đi tiểu nhiều lần hơn, ngoài ra không có biểu hiện bất thường nào khác. Xét nghiệm cho thấy chỉ số PSA (dấu hiệu ung thư tuyến tiền liệt) của anh cao gấp đôi mức bình thường. Kết quả chụp MRI và sinh thiết xác định ung thư ở thùy phải tuyến tiền liệt, giai đoạn sớm 2A, mức độ ác tính trung bình.
PGS.TS.BS Vũ Lê Chuyên, Giám đốc Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa, đánh giá phẫu thuật nội soi cắt tuyến tiền liệt tận gốc là lựa chọn thiết yếu để triệt căn ung thư cho anh Hùng. Phương pháp này ít xâm lấn, người bệnh hồi phục nhanh, giảm nguy cơ liệt ruột và tắc ruột sau mổ.
Các bác sĩ đưa ống nội soi và dụng cụ phẫu thuật vào trong khoang bụng trước của người bệnh. Qua màn hình Karl Storz 3D/4K, êkíp xác định chính xác ranh giới khối u, từ đó cắt bỏ toàn bộ tuyến tiền liệt và túi tinh hai bên thành một khối. Êkíp tiếp tục nạo hạch bạch huyết xung quanh động mạch, tĩnh mạch chậu và thần kinh bịt nhằm lấy triệt để các hạch có tế bào ung thư di căn (nếu có).

Các bác sĩ phẫu thuật nội soi cắt tuyến tiền liệt tận gốc cho anh Hùng. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Theo bác sĩ Cương, sau phẫu thuật, tế bào ung thư đã bị loại bỏ hoàn toàn nên khả năng tái phát rất ít. Thần kinh cương và cơ thắt được bảo tồn nên chức năng tình dục và chức năng tiểu của anh Hùng không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên một phần ống dẫn tinh và túi tinh đã cắt bỏ, dây thần kinh liên quan đến cương dương và xuất tinh có thể bị tổn thương nên người bệnh gần như mất khả năng sinh sản tự nhiên. Trường hợp muốn có con phải áp dụng các phương pháp hỗ trợ sinh sản như thụ tinh nhân tạo. May mắn anh Hùng đã có hai con trước khi phát hiện ung thư.
Tại Việt Nam, ung thư tuyến tiền liệt đứng thứ 7 về tỷ lệ mắc mới và đứng thứ 9 về số ca tử vong trong các loại ung thư ở nam giới, theo Cơ quan Nghiên cứu Ung thư quốc tế (Globocan) năm 2020.
Hiện vẫn chưa xác định chính xác nguyên nhân gây ra ung thư tuyến tiền liệt. Nguy cơ mắc bệnh có liên quan đến độ tuổi, chủng tộc, di truyền trong gia đình, môi trường sống tiếp xúc hóa chất độc hại... "Anh Hùng bị ung thư tuyến tiền liệt khi còn trẻ, gia đình không có người mắc bệnh này nên có khả năng do đột biến gene", bác sĩ Cương nói.
Bác sĩ Chuyên cho biết người bệnh ung thư tuyến tiền liệt có thể điều trị khỏi nếu được chẩn đoán sớm trước khi ung thư lan ra ngoài tuyến tiền liệt. Tỷ lệ sống sau 5 năm có thể đạt tới 99%. Giai đoạn ung thư đã lan ra ngoài tuyến tiền liệt (giai đoạn 4), tỷ lệ sống sau 5 năm giảm còn khoảng 30%. Phẫu thuật nội soi cắt tuyến tiền liệt tận gốc do ung thư thường được chỉ định khi khối u còn khu trú trong tuyến tiền liệt. Nếu không điều trị kịp thời, người bệnh đối mặt nhiều biến chứng như tiểu máu, đau xương, tiểu không tự chủ, suy thận, nguy hiểm tính mạng.
Bác sĩ khuyến cáo nam giới, nhất là người trên 50 tuổi, nên tầm soát ung thư tuyến tiền liệt định kỳ bằng siêu âm tuyến tiền liệt và xét nghiệm PSA máu. Ăn uống và sinh hoạt lành mạnh giúp giảm nguy cơ mắc bệnh.
Diệu Quí
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tiết niệu tại đây để bác sĩ giải đáp |