Giới trẻ, đặc biệt là Gen Z, có nhiều thiếu sót và khác biệt trong môi trường làm việc. Nhưng các thế hệ trước có lẽ nên lắng nghe để thấu hiểu trước khi "buộc tội" các bạn trẻ. Và hơn hết, các bạn trẻ cũng nên tìm hiểu nhiều hơn về thế hệ trước. Từ một trải nghiệm nhỏ của mình, tôi xin chia sẻ câu chuyện của riêng tôi trong một môi trường cụ thể, mong mọi người đón nhận như một góc nhìn khác.
Tôi cũng thuộc Gen Z, xuất phát từ vị trí nhân viên, đang quản lý một team nhỏ gồm toàn các bạn Gen Z trong một công ty quy mô tương đối lớn. Có một sự thay đổi lớn trong cách nhìn nhận và suy nghĩ vấn đề của tôi khi chuyển giao giữa hai vai trò này. Ở vị trí hiện tại, tâm trí của tôi bị chẻ làm đôi khi tiếp nhận thêm góc nhìn của người lãnh đạo, sống chung với áp lực và trách nhiệm, bắt gặp được những sự thật mà ở vị trí cũ tôi không được biết. Nói một cách khác, tôi đã dần nhìn được mặt kia của đồng xu.
Khi thâm nhập sâu hơn vào sự phức tạp của thế giới mới này, tôi bắt đầu lặng lẽ hơn, dần dập tắt các mối liên hệ không cần thiết. Cho đến một ngày, tôi không còn theo dõi bất kỳ mạng xã hội nào, kể cả các ứng dụng chat. Trên "đôi gánh" của tôi, một bên là sự độc lập, phóng khoáng và đề cao tính cá thể của Gen Z; một bên là sự kỷ luật, nguyên tắc và đặt lợi ích tập thể lên hàng đầu của các thế hệ trước trong khuôn khổ phải quản lý nhiều nhân viên.
Khi đôi gánh nặng đều cả hai bên, chúng ta có thể đi được, nhưng đôi vai sẽ bị bầm. Có những lúc bị mắc kẹt, tôi gần như thấu hiểu cái nhìn của cả hai bên, nhưng cũng không tránh khỏi những xung đột lợi ích. Một số bạn trẻ nghĩ rằng, mình từng quản lý các câu lạc bộ ở trường đại học, hay các tập thể cộng đồng khác, nên bản thân đã có trải nghiệm về việc làm quản lý. Nhưng quản lý trong công việc là một chiếc bánh mùi vị hoàn toàn khác.
Thêm vào đó, việc thổi phồng tính đơn giản của vấn đề, thứ ẩn dật trong các thông điệp bủa vây trên mạng xã hội, những kết luận nhanh và phán xét dễ dàng, những kiến thức chắp vá trong các clip ngắn, đã âm thầm lấy đi cái nhìn sâu sắc về vấn đề của các bạn trẻ. Cùng hệ lụy với mất mát này, tính tập trung của họ bị bẻ gãy một cách xảo huyệt đến mức chính bản thân họ cũng không nhận ra. Một hệ quả là một bộ phận các bạn trẻ nhìn nhận vấn đề không được sâu sắc, dễ bỏ cuộc, và không chịu được áp lực công việc hay những sự việc mà họ cho rằng không công bằng trong cuộc sống.
Ở chiều ngược lại, các thế hệ lãnh đạo đi trước với nhiều biến cố trong công việc cũng như cuộc sống và sức chịu đựng áp lực vô cùng dẻo dai, đã không chấp nhận được những gì nhìn thấy ở các bạn trẻ. Và họ cũng không đủ kiên nhẫn để lắng nghe, chia sẻ hay tìm cách giải quyết một cách thỏa đáng. Thế hệ trước bắt đầu giao tiếp với các bạn trẻ thông qua quy tắc, và không có ngoại lệ. Đó là cách dễ dàng để san bằng sự phá cách trong bản sắc của thế hệ trẻ.
Trong những câu chuyện này, không ai hoàn toàn đúng, không ai hoàn toàn sai. Còn việc "phán xét" và "buộc tội" lẫn nhau thì chưa có dấu hiệu dừng lại. Văn hóa của một thế hệ được thêu dệt từ một mạng lưới vô cùng tinh vi và phức tạp, từ các yếu tố vĩ mô như tình hình xã hội, kinh tế, chính trị, văn hóa đại chúng, đến các yếu tô vi mô như môi trường sống, học tập, văn hóa gia đình, thậm chí là những câu chuyện mà chỉ có bản thân người trải nghiệm mới thấu hiểu. Sẽ không dễ dàng để hai thế hệ hiểu nhau.
Tôi từng tìm hiểu một số tiểu sử chi tiết của những người thế hệ trước, cả những nhân vật nổi tiếng, hay đơn giản hơn là câu chuyện cuộc đời của người thân xung quanh mình. Tâm trí tôi như nở bung ra khi nghe về những áp lực cuộc sống đã nuôi dưỡng ý chí và sự kiên trì trong họ, tưởng như con đường dù dài đến đâu, họ cũng đủ tinh thần để đứng vững. Rằng nếu không đặt bản thân mình vào những tình huống nghiêm ngặt hơn, tôi sẽ làm được những điều mà mình nghĩ là không thể. Giống như cách Steve Jobs đã mê hoặc nhân viên về khả năng không giới hạn của họ.
Mặt khác, mình cũng đọc được những nghiên cứu của các chuyên gia, về sự phá hủy không báo trước đang gieo rắc vào giới trẻ thông qua những clip ngắn, một trong những yếu tố hình thành văn hóa của thế hệ trẻ hiện nay. Các clip ngắn làm giảm tính kiên trì của những người thường xuyên xem nó. Vì trong vô thức, người xem đã quen với việc đi vào trọng tâm trong một vài giây đồng hồ. Nếu thời gian kéo dài hơn, họ không đủ bình tĩnh để đợi, và lại tìm kiếm các câu chuyện đặc sắc hơn ở các clip ngắn khác. Và đáng suy ngẫm hơn, là họ không ý thức được mình đang bị thao túng.
Trong những clip có phần vội vã đó, vấn đề thường được nhìn khá phiến diện. Tôi không chắc là các bạn trẻ đủ kiên nhẫn để đọc hết trọn một quyển sách, hay đơn giản hơn là một bài báo dài khoảng 1.500 từ nếu không phải là một câu chuyện drama hay bị thúc ép từ một vấn đề gì đó, ví dụ như kỳ thi. Ngay cả khi được giao một công việc có tính mới mẻ với, một số bạn cũng không đủ nhẫn nại tìm hiểu vấn đề, than thở và từ chối. Một lần nữa, mình không nói tất cả, mà chỉ là một phần.
Tôi không nghĩ rằng thế hệ trẻ nên coi mình là nạn nhân của công nghệ. Vì nếu đã đọc câu chuyện của Viktor Frankl trong Đi tìm lẽ sống, hay James R. Doty trong Bước vào cửa hiệu nhiệm màu, chúng ta hoàn toàn có thể thấy, dù hoàn cảnh thoái hóa như thế nào đi nữa, dòng chảy bên trong mỗi con người vẫn có thể trong sạch, nếu chúng ta chọn đấu tranh vì điều đó. Chiều sâu của ý chí là ánh sáng khó có thể dập tắt bởi hoàn cảnh hay thời đại. Đó mới chính là thứ mà tôi và các bạn trẻ cần rèn dũa nhiều hơn bên cạnh các kỹ năng nghề nghiệp.
Những lúc như bị vỡ ra vì đứng giữa những văn hóa trái dấu, tôi tự nhủ, nếu các bạn trẻ đó là em trai, em gái của mình, thì mình sẽ xử sự như thế nào? Hoặc nếu các hành động khó hiểu không đến từ các quản lý thế hệ trước, mà đến từ chính bố mẹ của mình thì sao? Câu trả lời mang đến cho tôi một tấm lòng rộng mở để bước qua vấn đề có phần dễ dàng hơn.
Có lẽ, để thấu hiểu văn hóa của một người, cách tốt nhất là sống chung với họ bằng một tâm trí sẵn sàng đón nhận. Khi thế hệ trẻ như tôi đang dần trở thành lao động chính, sự tiếp sức từ các câu chuyện đi trước là rất cần thiết. Đó không phải những câu chuyện "ngày xưa bố mẹ cực khổ, bây giờ các con sướng", mà là những câu chuyện thuần túy với nỗ lực không ngừng nghỉ, và không so sánh, cũng không phán xét. Ví dụ như chia sẻ về những khó khăn và cách mà các cô, chú, anh, chị đã vượt qua nó như thế nào?
Các bạn trẻ có thể tìm hiểu nhiều hơn về những câu chuyện tương tự, thông qua sách, báo, hay dễ hơn là video, nhưng tất nhiên không phải là video ngắn. Ở chiều ngược lại, những thế hệ đi trước cũng có thể tìm hiểu về các vấn đề tâm lý khi sống trong một thế giới công nghệ phát triển, mà bản thân các bạn trẻ thì chưa có nhiều dịp trải nghiệm cuộc đời.
Tôi rất hy vọng các thế hệ có thể tìm được tiếng nói chung, để phát huy sức mạnh của cả kinh nghiệm, ý chí của thể hệ trước và sự nhiệt huyết, sáng tạo của giới trẻ. Một lần nữa, không phải là bằng sự "chỉ trích" nhau, mà là bằng sự lắng nghe và chia sẻ, với một tâm trí không so sánh hay phán xét.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.