"Team tôi có một bạn trẻ sinh năm 1999 (Gen Z). Khi được giao việc thì, em phản ứng tại sao phải làm việc đó, trong khi đó cũng thuộc phần việc em phụ trách. Khi có sự cố, bạn luôn phủi trách nhiệm, đẩy việc sang người khác. Trong công việc, cái 'tôi' của em rất lớn, dù sai sót liên tục. Ngoài ra, em còn thiếu lễ độ đến mức ngay cả gặp quản lý trực tiếp cũng không chào hỏi. Nhưng khách quan mà nói, không thể đánh đồng hay vơ đũa cả nắm được vì không phải bạn trẻ Gen Z nào cũng có thái độ làm việc kém như vậy".
Đó là chia sẻ của độc giả Panchi xung quanh câu chuyện nhân viên Gen Z khó hòa hợp nơi công sở. Đây là thực tế không còn xa lạ với nhiều công ty, doanh nghiệp hiện nay khi thế hệ Z bắt đầu ra trường, đi làm và ngày một thể hiện rõ ràng tính cách đặc trưng của mình. Thích làm theo ý mình, đòi hỏi nhiều hơn cho bản thân, hay thể hiện cái tôi cá nhân, khó hòa đồng với tập thể, dễ nhảy việc... là những đặc điểm mà người ta hay nói về các nhân sự Gen Z. Điều đó liệu có chính xác?
Bàn về chủ đề này, bạn đọc Duyanhqtc lấy dẫn chứng từ trường hợp của bản thân: "Tôi có đứa em họ sinh năm 1999, đi làm nhưng không thích có nhiều khách hàng, chỉ mong hết khách sớm để về, mặc dù thêm khách thì chủ trả thêm tiền. Em đi làm với tâm lý chỉ cần đủ tiền đi du lịch là được, trong khi gia cảnh rất bình thường. Đang lúc kinh tế khó khăn, bố em phải chạy xe cũng bị ít hàng hơn. Tôi khuyên em không nên đi du lịch nước ngoài nhiều thì em nói: 'Tuổi trẻ mà không đi thì đợi lúc nào mới được đi?'.
Khi đi làm, em muốn xin ít phút ra ngoài để làm việc riêng, người chủ chỉ cười nhẹ mà em tỏ thái độ rồi hôm sau nghỉ việc luôn. Một ngày công được hơn 300.000 đồng nhưng trà sữa uống đều, ngày nào cũng đồ ăn vặt, đói giữa giờ thì rủ đứa đồng nghiệp đặt nửa con gà về ăn... Nếu gia đình em thuộc hàng khá giả thì không nói, nhưng vấn đề là nhà ở quê chỉ thuộc hàng bình dân thôi mà em đã tiêu xài hoang phí như vậy rồi".
Cùng chung cảm nhận khó hòa hợp với nhân sự Gen Z, độc giả Walle bình luận: "Không nói đến trình độ hay sự hòa nhập, chỉ mấy thứ đơn giản như mở lời chào người lớn thôi mà tôi thấy các bạn Gen Z cũng 'tiết kiệm' vô cùng. Công ty tôi chuyên về thiết kế cầu đường, hàng năm số lượng nhân viên mới tốt nghiệp đại học vào công ty cũng không ít. Nhưng ngược lại với thế hệ của bọn tôi (Gen Y trở về trước), kể cả đã đi làm được gần chục năm rồi, nhưng hàng ngày vẫn thường xuyên chào hỏi các cô chú anh chị trong công ty, thì các bạn nhân viên mới Gen Z lại hoàn toàn ngược lại.
Trung bình cứ 10 bạn thì chắc phải 6-7 bạn nhìn thấy người lớn hoặc lãnh đạo Công ty mà không thèm chào. Chính vì thế nên dù nhiều cô cậu đã đi làm được 1-2 năm nhưng cả công ty vẫn không biết là ai, làm phòng nào? Nói chung, kỹ năng mềm và cách hành xử yếu kém một cách khó tưởng tượng nổi là một vấn đề nghiêm trọng với Gen Z".
>> Cự tuyệt tin nhắn, cuộc gọi của sếp sau giờ làm
Là người có con thuộc thế hệ Z, bạn đọc Haivy Nguyen thừa nhận: "Con tôi cũng thuộc Gen Z, rất khó dạy bảo. Tôi cũng lo cho con khó hòa đồng vì xã hội ngày nay rất khác. Được tiếp cận đủ thứ loại hình trào lưu và công nghệ phát triển nên con bị ảnh hưởng bởi game, TikTok, YouTube, Facebook và nhiều thứ khác. Nay con đang học lớp 12 và năm sau sẽ vào đại học. Tôi muốn con hòa nhập dù ở Việt Nam hay sống ở nước ngoài. Về tài chính, tôi có thể lo cho con mở cửa hàng kinh doanh hoặc mở công ty liên kết, thậm chí góp vốn đầu tư. Nhưng hiện tại, con khó hòa nhập khi làm việc nhóm và ít giao tiếp với mọi người. Một khi không thích gì hoặc ai đó thiếu tôn trọng là con ghét ra mặt người đó".
Đồng quan điểm, độc giả Anh Pham kết lại: "Là một chủ doanh nghiệp, tôi đã sa thải vài bạn trẻ Gen Z vì không tập trung vào công việc, thích làm theo ý mình, không có lộ trình phát triển bản thân với công ty rõ ràng, thích thể hiện cái tôi cá nhân hơn là cùng đồng hành thúc đẩy phát triển tập thể công ty...".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.