Khi đi bộ con người thường ghét xe cộ. Khi không bằng người ta con người thường đố kỵ với họ. Khi làm công, bạn lại dễ thấy ông chủ quá quyền lực, quá keo kiệt. Còn khi làm ông chủ, bạn lại cảm thấy nhân viên không có trách nhiệm, thiếu tuân thủ quy tắc. Khi là khách hàng, bạn hay cho rằng người kinh doanh quá lãi. Ngược lại, khi là nhà kinh doanh, bạn lại thấy khách hàng quá kén chọn... Đó là tâm lý thường thấy của con người.
Thực ra, chúng ta đều không sai, sai ở chỗ vị trí chúng ta đứng ở những vị trí không giống nhau (lợi ích khác nhau). Chỉ cần thay đổi vị trí, góc nhìn khi suy nghĩ, cuộc đời sẽ rộng rãi, sáng sủa hơn nhiều. Hành động ở đâu, thu hoạch chính ở ngay chỗ đó. Dành thời gian cho gia đình, thành tựu là tình thân. Dành thời gian cho công việc, thành tựu là sự nghiệp. Dành thời gian luyện tập, thành tựu là sức khỏe. Dành thời gian vào lao động, thành tựu là tiền bạc. Dành thời gian vào học hành, thành tựu là trí tuệ...
Dù có chê bai Gen Z thế nào thì chúng ta cũng không thể phủ nhận thế hệ này chính là kết quả của nuôi dưỡng, giáo dục, đào tạo từ nhiều thế hệ trước. Thế hệ Z trưởng thành trong thời kỳ bùng nổ mạng Internet - nơi mà tri thức được phổ biến chủ yếu thông qua truyền thông. Tận dụng lợi thế này, nhiều người trẻ đã nhanh chóng trưởng thành, có nhiều thành quả trong sự nghiệp khi còn ít tuổi. Song, cũng có nhiều người trong số họ có những vấn đề do mặt trái của truyền thông tạo nên, một trong số đó là hệ quả của việc "ngộ độc" sách self help.
Bất kỳ thế hệ nào cũng vậy, khi sinh ra đã có những điểm yếu và những lợi thế nhất định. Ví dụ, thế hệ 6X, 7X xuất hiện trong bối cảnh nghèo khó của xã hội khi vừa thoát khỏi chiến tranh, nhưng họ có lợi thế là những người mới có tự do, độc lập, được tranh thủ bằng việc cấp phát các tư liệu sản xuất (chủ yếu là đất đai) hay khoảng cách giàu nghèo lúc này không cao, xã hội chưa yêu cầu các tác phong làm việc công nghiệp cao.
Thế hệ 8X, 9X là thế hệ vừa xuất thân khi xã hội đã phân chia giàu nghèo có phần rõ rệt, không còn được hưởng các ưu đãi, hay lợi thế về cạnh tranh tư liệu sản xuất (chủ yếu là đất đai), nhưng là thế hệ của truyền hình, học tập, biết nhiều từ vững, vốn từ, thế giới quan rộng lớn thông qua truyền hình, bắt đầu hình thành các khái niệm, ý thức làm việc công nghiệp, tác phong văn phòng.
>> 'Gen Z khó mong vượt thế hệ trước nếu không chịu khiêm tốn'
Việc xung đột các thế hệ trong công việc, doanh nghiệp, gần như là điều hiển nhiên ở mọi xã hội. Chúng ta chẳng lạ gì câu "ma cũ bắt nạt ma mới". Khi thế hệ 6X, 7X làm đến vị trí cấp cao, quản lý, thì cũng từng chê lên, chê xuống thế hệ 8X, 9X đủ kiểu. Nào là không biết giao tiếp, không có quan hệ, nào là không trải qua chiến tranh, không biết đầu tư bất động sản hiệu quả, nào là có cha mẹ chống lưng, mua bằng cấp, mua lớp...
Rồi khi thế hệ 8X, 9X nên nắm các vị trí quản lý như ngày nay, thì thế hệ Gen Z lại trở thành nạn nhân. Chẳng qua mức độ ở mỗi thời mỗi khác. Thời trước, thế hệ 6X, 7X không được tiếp cận Internet, không có sự bùng nổ mạng xã hội như Facebook, TikTok... nên xét về nhiều mặt, họ thua thiệt thế hệ Z bây giờ. Do thế hệ 8X, 9X đã sử dụng thành thạo các công cụ truyền thông, nên họ có điều kiện phê phán thế hệ Z nhiều hơn.
Nhưng có ai biết rằng, người ta ít khi nhìn vào thành công, điểm mạnh của người khác mà cố tình lờ đi để che đậy cảm giác ghen tỵ. Nhưng càng xoáy sâu vào sai lầm của người khác, chỉ càng cho thấy bạn đang ghen tỵ với họ mà thôi. Ai cũng muốn người khác sống tốt, nhưng chẳng ai muốn người khác sống tốt hơn mình (đây là tâm lý so bì luôn hiện hữu ở loài người). Biết bao bạn trẻ Gen Z đang làm tốt, biết bao tâm gương người trẻ thành công đáng ngưỡng mộ nhưng mỗi khi có chuyện xấu, người ta lại nhảy vào chê bai thế hệ Z thế này, thế nọ.
Không phủ nhận rằng, ở công ty ngày nay, các bạn Gen Z đa số sẽ có xung đột với phần lớn các thế hệ trước về cách làm việc, quan điểm, thái độ sống. Nhưng nên nhớ, mỗi người đều có mục tiêu và đích đến của riêng mình. Một công ty chỉ vững mạnh khi các thành viên có thể phối hợp, làm việc được với nhau và tạo ra hiệu quả chung. Càng xoáy sâu vào điểm yếu của Gen Z, chúng ta chỉ càng làm mâu thuẫn trở nên phức tạp và khó có thể khiến các thế hệ cùng làm việc được với nhau.
Hãy nhớ phù hợp với công việc, hợp tác với công việc, không đồng nghĩa với việc bạn sẽ ủng hộ lối sống, hay cách hành xử của người đó một cách vô điều kiện. Chúng ta có thể khác biệt nhưng chúng ta vẫn có thể ngồi lại cùng nhau. Không vì một cái cành cây sâu mục mà bỏ đi cả một cây gỗ quý.
Thế hệ lãnh đạo trong các công ty đều yêu cầu hiệu quả công việc thông qua quản lý và làm việc được với Gen Z vì họ là lực lưỡng lao động chính của xã hội trong tương lai gần. Do đó, thay vì phê bình, chỉ trích, các thế hệ trước cần thay đổi để thích nghi với người trẻ. Nếu chê nhân viên Gen Z có vấn đề, tôi tin đa phần nằm ở khâu tuyển dụng và quản lý.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.