Sau một tuần điều trị da liễu tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, bàn tay chị Nguyễn Thị Thu Hằng (38 tuổi, ngụ tại quận Tân Bình) bớt ngứa, không còn tróc vảy, hết nứt nẻ, rỉ máu ở các đốt ngón tay, lòng bàn tay.

Bàn tay người bệnh bị nổi vảy, bong da, nứt da và có rỉ máu ở các đường nứt da, ngón tay mất gần hết dấu vân tay. Ảnh: Đinh Tiên
Là giáo viên, cách đây 5 năm, trong một lần sắp xếp tài liệu, chị Hằng bị bìa sách mới cứa vào ngón tay. Vết xước nhỏ nhưng gây ngứa âm ỉ. Từ đó, mỗi khi đến mùa lạnh hay ở lâu trong phòng lạnh, chị bị ngứa ở tay. Vị trí ngứa lúc đầu khoanh vùng đốt ngón tay, sau lan đến lòng và mu bàn tay. Chị Hằng tự mua thuốc về bôi, đỡ ngứa, nhưng thỉnh thoảng bệnh vẫn tái phát.
Gần hai năm nay, tay chị ngứa dữ dội. Chị đến phòng khám gần nhà, được kê thuốc bôi thấy đỡ ngứa, song mùa lạnh lại tái phát. Thời gian đầu, mỗi năm chị rơi vào 1-2 đợt ngứa bàn tay, nhưng tần suất xuất hiện càng lúc nhiều hơn.
Ba tháng trước, chị bị dị ứng nổi mẩn đỏ khắp người. Bàn tay tái phát ngứa dữ dội, xuất hiện các mảng bong tróc lớn hơn, nứt nẻ, rỉ máu ở lòng và các đốt ngón tay. Chị Hằng không dám chạm tay vào nước hay tiếp xúc với xà bông.
Trong buổi khám sức khỏe tổng quát tại công ty với các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, chị Hằng được chẩn đoán bị chàm tổ đỉa. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, người bệnh có thể bị mất hoàn toàn dấu vân tay do tổn thương da, hoặc viêm loét nặng, mưng mủ do nhiễm trùng.

Tiến sĩ, bác sĩ Đặng Thị Ngọc Bích đang khám bệnh cho chị Hằng. Ảnh: Đinh Tiên
Hiện chị Hằng được kê thuốc uống chống dị ứng và kháng sinh do cơ thể còn một số mẩn đỏ trên người và tổn thương ở da tay. Bệnh nhân được chỉ định thêm thuốc bôi chống ngứa, phục hồi da, thuốc làm ẩm và mềm da. Ngoài ra, bác sĩ hướng dẫn chị cách chăm sóc da tay, tránh chàm tổ đỉa tái phát.
Tiến sĩ, bác sĩ Đặng Thị Ngọc Bích, chuyên khoa Da liễu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho hay chàm tổ đỉa là thể đặc biệt của bệnh chàm (eczema). Tình trạng này thường là viêm da, xuất hiện các mụn nước nhỏ, khô và ngứa. Chúng tập trung tại bàn tay, bàn chân. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi với nhiều giai đoạn khác nhau.
Nguyên nhân gây bệnh chàm tổ đỉa do tay chân tiếp xúc với nhiều chất liệu, vật dụng và hóa chất không an toàn như: các hóa mỹ phẩm trong chăm sóc da, sơn, giấy, mực in, phấn viết bảng, hồ keo trong văn phòng phẩm, xà bông lau sàn nhà... Ngoài ra, bệnh còn có liên quan đến cơ địa dị ứng, tác động từ môi trường bên ngoài, yếu tố di truyền... Ở trường hợp chị Hằng., chàm tổ đỉa vừa do cơ địa dị ứng vừa do vết thương hở tiếp xúc hóa chất lau dọn nhà cửa.
Những người có nguy cơ cao bị chàm tổ đỉa do hóa chất thường là: công nhân làm việc tại nhà máy, nhân viên y tế, mẹ bỉm sữa hay phụ nữ nội trợ, người thường xuyên sử dụng mỹ phẩm không phù hợp với da...
Bệnh chàm có thể kiểm soát khi được điều trị và chăm sóc da đúng cách. Bác sĩ Bích khuyến cáo, người có cơ địa dễ bị dị ứng, người từng bị chàm tổ đỉa không nên tiếp xúc nhiều với sản phẩm có hóa chất tẩy mạnh. Người bệnh nên sử dụng găng tay để không gây dị ứng khi lau dọn nhà...
Khi ở trong phòng lạnh, người bệnh cần thoa kem dưỡng ẩm không mùi có chứa vitamin E hoặc tinh chất của lô hội để dưỡng ẩm da. Nếu không, da khô dễ nứt nẻ, khiến bệnh chàm tổ đỉa tái phát nhanh.
Nếu muốn sử dụng mỹ phẩm chăm sóc da, người bệnh nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa Da liễu để soi da, chẩn đoán và phân loại tình trạng da, từ đó tư vấn sử dụng mỹ phẩm cùng liệu trình chăm sóc da phù hợp.
Đinh Tiên
* Tên nhân vật đã thay đổi.