Quân đội Afghanistan do Mỹ huấn luyện và trang bị suốt hai thập kỷ qua đã nhanh chóng sụp đổ trước đà tiến của Taliban. Những địa danh quen thuộc với người Mỹ như Kunduz và Kandahar lần lượt rơi vào tay Taliban trước khi nhóm này tiến vào thủ đô Kabul ngày 15/8.
Taliban từng nổi tiếng với việc áp đặt luật Hồi giáo hà khắc trong 5 năm cầm quyền ở Afghanistan trước khi liên quân do Mỹ dẫn đầu can thiệp quân sự vào nước này và lật đổ chế độ Taliban năm 2001. 20 năm sau, giới chuyên gia lo ngại Afghanistan sẽ tiếp tục trở thành điểm nóng về nhân quyền sau khi Taliban tiếp quản quyền lực.
Những gì Taliban đã làm tại các tỉnh chiếm được hồi tuần trước cho thấy hành động của nhóm này ngày nay và 20 năm trước không khác nhau nhiều. Taliban từng cấm phụ nữ đi học, tiến hành các vụ hành quyết công khai, đàn áp các nhóm thiểu số như người Shiite Hazara và phá hủy các tượng Phật khổng lồ ở Bamiyan.
Husain Haqqani, cựu đại sứ Pakistan tại Mỹ, nói không có gì đảm bảo một lực lượng Taliban mới sẽ không gây ra các vấn đề nhân đạo khác. Tại các khu vực mà Taliban kiểm soát, nhóm này đã "hành quyết dân thường, đánh roi phụ nữ, đóng cửa trường học, phá hủy bệnh viện và các cơ sở hạ tầng khác", Haqqani nói.
Ronald Neumann, đại sứ Mỹ tại Afghanistan dưới thời tổng thống George W. Bush, cho biết "hàng trăm nghìn người Afghanistan từng đặt niềm tin vào Mỹ đột nhiên thấy mình là mục tiêu trong các vụ trả thù của Taliban". "Những người này bị ám sát trong nhiều năm qua", Neumann nói.
Afghanistan do Taliban kiểm soát một lần nữa có thể trở thành nơi trú ẩn cho những kẻ cực đoan. Sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001, Mỹ mở chiến dịch quân sự nhằm vào Afghanistan, với cáo buộc Taliban từ chối giao nộp Osama bin Laden, thủ lĩnh nhóm al-Qaeda bị Mỹ truy nã quốc tế.
Một số chuyên gia những tháng qua nhận định lo ngại về các phần tử cực đoan ẩn náu tại Afghanistan sau khi Taliban nắm quyền gia tăng, đồng thời không có gì đảm bảo quốc gia Trung Á này không một lần nữa trở thành nơi ẩn náu cho những phần tử khủng bố quốc tế, vốn có ý định tấn công Mỹ hoặc các cường quốc khác.
"Nếu nhóm này giành quyền kiểm soát Afghanistan, tôi không nghi ngờ việc chúng sẽ cung cấp nơi trú ẩn an toàn cho al-Qaeda, phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và cho chủ nghĩa khủng bố nói chung", cựu bộ trưởng quốc phòng Mỹ Leon Panetta nói. "Đó là một mối đe dọa an ninh quốc gia với Mỹ".
Đại diện của Afghanistan tại Liên Hợp Quốc Ghulam Isaczai đưa ra cảnh báo tương tự hồi đầu tháng 8, nói rằng "Taliban được mạng lưới khủng bố xuyên quốc gia hỗ trợ trong các hành động man rợ có chủ ý".
Taliban nắm quyền tại Afghanistan có thể gây bất ổn cho nước láng giềng Pakistan. Cục Tình báo Liên quân Pakistan (ISI) bị nhiều người nghi hỗ trợ Taliban trước khi nhóm này lên nắm quyền ở Afghanistan năm 1996. Quân đội Pakistan cũng được cho là coi Afghanistan như một "bức tường thành" cần thiết trước đối thủ truyền thống Ấn Độ.
Tuy nhiên, đường biên dài và lỏng lẻo giữa Pakistan với Afghanistan gây ra nhiều rắc rối. Trong nhiều năm qua, Pakistan đã đưa hàng chục nghìn người Afghanistan vào các trại tị nạn ở biên giới như Jalozai, gây căng thẳng về tài chính và chính trị cho chính quyền nước này.
Taliban tại Afghanistan truyền cảm hứng cho nhóm Tehrik-i-Taliban Pakistan, thường được gọi là Taliban Pakistan, song lãnh đạo hai nhóm được cho là mâu thuẫn với nhau và không chung mục tiêu. Madiha Afzal, chuyên gia chính sách đối ngoại tại Viện Brookings, nhận định "dù có khác biệt, việc Taliban nắm quyền tại Afghanistan sẽ tăng thêm thanh thế cho Taliban Pakistan".
Haqqani, hiện là giám đốc phụ trách khu vực Nam Á và Trung Á tại Viện Hudson, nhận định rằng chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan vốn đã gây chia rẽ trong xã hội Pakistan và việc Taliban nắm quyền tại Afghanistan sẽ càng tăng sức mạnh cho những kẻ cực đoan tại Pakistan.
"Ván cược mạo hiểm của Pakistan, vừa hỗ trợ Taliban vừa duy trì quan hệ tốt đẹp với Mỹ, sẽ không bao giờ bền vững trong dài hạn", Haqqani cho biết. "Pakistan liên tục né tránh vấn đề, song họ sẽ sớm phải đối diện với thực tế".
Một vấn đề nữa khiến Mỹ và các đồng minh phương Tây lo ngại là Trung Quốc có thể giành chỗ đứng trong khu vực Trung Á sau khi Taliban nắm quyền tại Afghanistan.
Các lãnh đạo Taliban gần đây tăng cường tìm kiếm đồng minh hoặc gây ảnh hưởng ở nước ngoài. Những nỗ lực này của Taliban dường như đã có kết quả.
Khi nắm quyền hồi giữa những năm 1990, Taliban biến Afghanistan thành một quốc gia bị cô lập với phần còn lại của thế giới và chỉ được một số ít nước công nhận, gồm Pakistan, Arab Saudi và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Tuy nhiên trong những tuần qua, các lãnh đạo của Taliban liên tục tới Iran, Nga và Trung Quốc.
Trung Quốc được cho là hứa đầu tư lớn vào các dự án năng lượng và hạ tầng tại Afghanistan, bao gồm xây dựng mạng lưới đường bộ, và đang để ý đến các mỏ đất hiếm trữ lượng lớn song chưa được khai thác ở quốc gia Trung Á này.
Nhiều người cho rằng Trung Quốc có thể công nhận Taliban khi nhóm giành quyền lực tại Afghanistan. Tuy nhiên, Bắc Kinh chưa xác nhận hay bình luận về điều này.
Laurel Miller, giám đốc chương trình khu vực châu Á của viện nghiên cứu có tên Nhóm Khủng hoảng Quốc tế, nói Taliban đang "thực hiện chiến dịch để đảm bảo tính hợp pháp trong mắt các quốc gia tại khu vực và có thể là các nước ở Vịnh Ba Tư".
Đặc phái viên Mỹ phụ trách tiến trình hòa giải ở Afghanistan Zalmay Khalilzad hồi đầu tháng 8 tuyên bố nước này sẽ không công nhận một chính phủ do Taliban lập ra sau khi giành quyền lực bằng vũ lực.
Chuyên gia Miller nhận định để tránh nguy cơ bị Mỹ và đồng minh cô lập, Taliban có thể nỗ lực xích lại gần các quốc gia khác.
"Taliban cho rằng Trung Quốc có thể giúp họ được quốc tế thừa nhận, đồng thời là nguồn hỗ trợ kinh tế tiềm năng và là phương tiện gây ảnh hưởng với Pakistan, quốc gia từng hỗ trợ nhóm này", bài bình luận trên Wall Street Journal có đoạn.
Taliban cũng có thể đang đẩy Trung Quốc và Nga xích lại gần nhau hơn khi hai cường quốc tìm cách lập hàng rào ngăn bất ổn từ Afghanistan lan sang, Miller nhận định. "Cả hai nước đều lo ngại nguy cơ chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan xâm nhập", chuyên gia này cho biết.
Nga và Trung Quốc tuần trước tổ chức diễn tập chung với hơn 10.000 quân cùng nhiều máy bay và pháo tại Khu tự trị Hồi Ninh Hạ. Dù cuộc diễn tập được tổ chức cách xa Afghanistan, hoạt động này "thể hiện quyết tâm của Nga và Trung Quốc trong chống khủng bố, cùng nhau bảo vệ hòa bình và ổn định trong khu vực", Bộ Quốc phòng Nga cho biết.
Nguyễn Tiến (Theo NPR)