Trung tướng Lưu Tiểu Ngọ, chỉ huy lực lượng Trung Quốc tham gia SIBU/Interaction 2021 và phó chỉ huy Bộ Tư lệnh Chiến khu phía Tây, cho biết cuộc diễn tập thực hành các nội dung tác chiến mới như chuyển quân khẩn cấp, thả dù vũ khí hạng nặng, dùng tiêm kích J-26 tấn công tầm xa và vận hành máy bay không người lái (UAV).
Tướng Lưu cho biết 200 thiết giáp và 100 khẩu pháo tham gia SIBU/Interaction 2021, cùng với hơn 10.000 binh sĩ Nga và Trung Quốc. Các máy bay sẽ xuất kích khoảng 200 lần trong đợt diễn tập kéo dài từ ngày 9/8 đến 13/8.
"81% khí tài tham gia diễn tập là loại mới tinh", tướng Lưu nói. "Chúng bao gồm tiêm kích tàng hình J-20, máy bay kiểm soát và cảnh báo sớm KJ-500, tiêm kích J-16, UAV trinh sát và vũ trang cùng các loại thiết giáp mới".
Diễn tập SIBU/Interaction 2021 được tổ chức tại thao trường Thanh Đồng Hiệp tại sa mạc Gobi, thuộc khu tự trị Hồi Ninh Hạ của Trung Quốc. Đây là lần đầu diễn tập SIBU/Interaction được tổ chức và là đợt diễn tập chung đầu tiên giữa Nga và Trung Quốc sau khi Covid-19 bùng phát.
"Đây cũng là lần đầu quân đội Nga sử dụng nhiều vũ khí mới của Trung Quốc trong một cuộc diễn tập quy mô lớn. Điều này chắc chắn cải thiện các hoạt động chung và khả năng thực chiến của binh sĩ Nga với đối tác Trung Quốc", Chu Thần Minh, chuyên gia quân sự tại Bắc Kinh, cho biết.
Han Lin, một sĩ quan cấp cao thuộc bộ tham mưu của Quân ủy Trung ương Trung Quốc, cho biết quân đội nước này và lực lượng Nga sẽ thử nghiệm chiến thuật tác chiến cùng vũ khí mới trong diễn tập, bao gồm sử dụng hỏa lực áp đảo, tập kích đường không bất ngờ và sử dụng bầy UAV.
Tướng Lưu cho biết các đòn tấn công chính xác không chỉ dựa vào vũ khí mà còn dùng công nghệ kỹ thuật số, vốn có thể theo dõi hoạt động của từng binh sĩ dưới mặt đất.
"Chúng tôi xây dựng cơ chế chống khủng bố liên hợp gồm 4 mạng lưới thông tin chiến trường, tình báo, chỉ huy và hậu cần để kết nối mọi máy bay, pháo, thiết giáp và thậm chí từng binh sĩ", tướng Lưu nói.
Lã Lễ Thi, cựu giảng viên một trường của lực lượng phòng vệ Đài Loan, nhận định quân đội Nga có nhiều kinh nghiệm thực chiến hơn lực lượng Trung Quốc, đồng thời tiến trình huấn luyện và hiện đại hóa quân đội Trung Quốc sẽ được thử nghiệm với khái niệm chiến đấu mới trong tác chiến chống khủng bố.
"Hệ thống kết nối chỉ huy, thông tin chiến trường, tình báo và hậu cần lấy cảm hứng từ hệ thống chỉ huy chiều dọc trong khái niệm tác chiến hiện đại ở Mỹ và các nước phương Tây khác", Lã Lễ Thi nói. "Nga là cường quốc thế giới duy nhất sẵn sàng tham gia các cuộc diễn tập và huấn luyện chung với quân đội Trung Quốc".
Chuyên gia Lã nói cuộc diễn tập chung với quân đội Nga sẽ hỗ trợ lực lượng Trung Quốc phát triển chương trình huấn luyện của mình, bao gồm năng lực tác chiến của "quân xanh" tại căn cứ huấn luyện chiến thuật liên hợp Châu Nhật Hòa ở Nội Mông.
"Quân xanh" là đơn vị quân đội Trung Quốc học cách tác chiến từ Mỹ nhằm giúp các binh sĩ trong nước làm quen với việc chiến đấu trước đối thủ thiện chiến và được trang bị tốt hơn. Các binh sĩ từ 5 chiến lược khu Trung Quốc luân phiên chiến đấu với "quân xanh" trong các đợt huấn luyện tại căn cứ Châu Nhật Hòa.
Nguyễn Tiến (Theo SCMP)