Mỹ và các đồng minh NATO bắt đầu đợt rút quân cuối cùng khỏi Afghanistan vào đầu tháng 5. Chỉ vài ngày sau khi 9.600 lính liên quân, bao gồm 2.500 lính Mỹ, lên đường về nước, giao tranh bắt đầu bùng lên dữ dội giữa Taliban và quân đội chính phủ Afghanistan ở tỉnh miền nam Helmand.
Đến ngày 8/5, một vụ đánh bom xảy ra bên ngoài trường nữ sinh ở Kabul khiến 85 người chết, chủ yếu là học sinh. Đây là vụ tấn công đẫm máu nhất trong năm nghi do Taliban thực hiện, mặc dù nhóm này không nhận trách nhiệm.
Mỹ vẫn tiếp tục hối hả rút quân khỏi một trong những căn cứ không quân lớn nhất tại Afghanistan ở Kandahar, thành phố lớn thứ hai quốc gia Trung Á, vào giữa tháng 5. Taliban sau đó đánh chiếm các huyện ở tỉnh Wardak gần Kabul, và tỉnh trọng yếu Ghazni, án ngữ các tuyến đường nối thủ đô Afghanistan với tỉnh Kandahar.
Tới đầu tháng 6, Taliban chiếm được một số huyện ở phía bắc, buộc các đơn vị quân chính phủ bảo vệ những mục tiêu này phải rút lui. Lực lượng này ngày 22/6 kiểm soát cửa khẩu Shir Khan Bandar nằm trên biên giới Afghanistan -Tajikistan. Đây được coi là tín hiệu đáng báo động, buộc Afghanistan phải kiểm tra lại khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội chính phủ.
Các quan chức Mỹ và NATO ngày 2/7 thông báo lực lượng của họ rút khỏi Bagram, căn cứ không quân lớn nhất ở Afghanistan và là trung tâm của các hoạt động do Mỹ dẫn đầu ở quốc gia Trung Á trong hai thập kỷ. Hai ngày sau, Taliban chiếm huyện trọng điểm Panjwai ở Kandahar, nơi nhóm được thành lập hơn hai thập kỷ trước.
Taliban ngày 9/7 tuyên bố chiếm Islam Qala, cửa khẩu lớn nhất giữa Afghanistan và Iran. Lực lượng này 5 ngày sau kiểm soát cửa khẩu Spin Boldak trên biên giới Afghanistan - Pakistan, tuyến đường thương mại chính giữa hai nước.
Sau khi kiểm soát phần lớn vùng nông thôn và các cửa khẩu quan trọng, Taliban tăng cường đà tấn công của mình, với mục tiêu là các đô thị trung tâm, bao gồm Lashkar Gah, Kandahar và Herat. Mỹ và Anh cáo buộc Taliban phạm tội ác chiến tranh và "thảm sát thường dân" ở thị trấn Spin Boldak.
Đến 3/8, Taliban nhắc nhở người dân Afghanistan về sự trở lại của mình bằng vụ đánh bom và nổ súng nhắm vào Bộ trưởng Quốc phòng Afghanistan và một số nghị sĩ ngay ở Kabul. Ba ngày sau, nhóm này bắn chết lãnh đạo trung tâm thông tin và truyền thông của chính phủ Afghanistan tại một nhà thờ Hồi giáo ở thủ đô.
Taliban chiếm tỉnh lỵ đầu tiên của Afghanistan là thành phố Zaranj ở phía tây nam mà "không cần nổ súng", khi quân đội chính phủ hoặc vội vã tháo chạy, hoặc đầu hàng lực lượng.
Trong những ngày tiếp theo, các thành phố phía bắc khác thất thủ gồm Sheberghan, Kunduz, Sar-e-Pul, Taloqan, Aibak, Farah và Pul-e-Khumri.
Bất chấp việc Taliban đánh chiếm được nhiều thành phố quan trọng và "thắng như chẻ tre", Tổng thống Mỹ Joe Biden không trì hoãn việc rút quân với hạn chót ngày 31/8, trước lễ kỷ niệm 20 năm vụ tấn công 11/9.
Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani ngày 11/8 bay đến thành phố Mazar-i-Sharif đang bị Taliban bao vây để tập hợp và động viên binh sĩ chiến đấu. Tuy nhiên, chuyến thăm của Ghani bị lu mờ khi hàng trăm binh sĩ Afghanistan ở tỉnh Kunduz đầu hàng và tỉnh lỵ thứ 9 là Faizabad bị Taliban chiếm trong đêm.
Cùng ngày, thành phố Herat ở phía tây thất thủ và Taliban ngày 12/8 chiếm được thành phố Kandahar và Lashkar Gah ở phía nam. Một ngày sau, nhóm chiếm được Asadabad, Gardez và Mazar-i-Sharif.
Taliban tiến vào thành phố Jalalabad sáng 15/8, khiến Kabul khi đó trở thành thành phố lớn duy nhất của Afghanistan còn nằm dưới sự kiểm soát của chính phủ. Các tay súng kéo tới cửa ngõ thủ đô và chờ đợi cuộc đàm phán về một chính phủ chuyển tiếp.
Đúng lúc đó, Tổng thống Ghani vội vã chạy khỏi Afghanistan, khiến chính phủ sụp đổ khi không có lãnh đạo kế tiếp. Taliban lập tức lệnh cho các tay súng tiến vào tiếp quản Kabul và chiếm dinh tổng thống.
Đại diện Taliban tuyên bố "chiến tranh đã kết thúc" và sẽ thành lập một "tiểu vương quốc Hồi giáo" Afghanistan. Ghani sau đó thừa nhận nhóm này đã "chiến thắng".
Nguyễn Tiến (Theo Guardian)