2020-2021 là năm học đầu tiên triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới và sách giáo khoa mới, áp dụng với lớp 1. Chương trình được xây dựng với mục tiêu hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh. Từ chương trình chung, các nhà xuất bản tổ chức biên soạn sách giáo khoa. Sách đã qua thẩm định được giới thiệu để các trường lựa chọn phù hợp với thực tiễn ở địa phương.
Hiện, năm bộ sách giáo khoa được sử dụng trong nhà trường, trong đó bốn bộ do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam biên soạn, gồm: Chân trời sáng tạo, Cùng học để phát triển năng lực, Kết nối tri thức với cuộc sống, Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục. Bộ Cánh Diều do Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Hà Nội và Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP HCM biên soạn.
Sau một tháng tổ chức dạy và học theo chương trình và sách giáo khoa lớp 1 mới, nhiều phụ huynh, giáo viên đánh giá việc dạy, học môn Tiếng Việt "nặng và khó hơn" so với chương trình cũ. Trẻ bị dồn ép phải học thuộc chữ và vần trong thời gian ngắn dẫn đến việc học không hiệu quả, gây mệt mỏi, áp lực cho cả giáo viên, học sinh và phụ huynh.
Ngoài ra, nhiều chi tiết trong sách giáo khoa khiến giáo viên, phụ huynh khó hiểu, chẳng hạn sách quá nhiều chữ, dùng từ địa phương, các yêu cầu không phù hợp với trẻ mới vào lớp 1.
Để giải đáp thắc mắc xoay quanh chương trình và sách giáo khoa môn Tiếng Việt lớp 1 mới, VnExpress tổ chức buổi phỏng vấn trực tuyến từ 14h30 đến 16h30 ngày 12/10 tại tòa soạn. Ba khách mời gồm:
- GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới, Tổng chủ biên kiêm chủ biên sách Tiếng Việt 1 Cánh Diều.
- PGS Bùi Mạnh Hùng, Tổng chủ biên sách Tiếng Việt lớp 1 của hai bộ Kết nối tri thức với cuộc sống và Chân trời sáng tạo.
- TS Phan Phương Dung, Hiệu trưởng trường Tiểu học Hà Nội - Thăng Long, thành viên Hội đồng thẩm định sách giáo khoa Tiếng Việt 1.
Độc giả gửi câu hỏi tại đây.