Tiếp xúc với nước rất lạnh kích hoạt phản ứng của cơ thể, làm tăng mức endorphin và noradrenaline. Đây là các chất dẫn truyền thần kinh đóng vai trò tăng hưng phấn, khoái cảm, sự chú ý và chức năng nhận thức. Do đó, tắm nước lạnh có thể mang lại một số lợi ích cho sức khỏe thể chất và tinh thần.
Cải thiện lưu thông máu: Khi tiếp xúc với nước lạnh, cơ thể phản ứng bằng cách tăng lưu lượng máu đến các cơ quan quan trọng ở lõi để bảo vệ và giữ ấm cho chúng, trong khi giảm lưu lượng máu đến các vùng bề mặt. Lưu thông máu tốt có lợi cho sức khỏe.
Giảm cân: Các nghiên cứu cho thấy ngâm mình trong nước lạnh có thể giảm cân. Lúc này, cơ thể tăng quá trình trao đổi chất để cố gắng giữ ấm. Quá trình trao đổi chất mạnh hơn giúp đốt cháy nhiều calo hơn.
Nhiệt độ lạnh cũng có thể kích hoạt chất béo nâu của cơ thể (mô mỡ nâu), đốt cháy calo để cố gắng giữ ấm. Tuy nhiên, đốt cháy chất béo nâu có tác dụng giảm cân và kiểm soát lượng đường trong máu hay không vẫn đang được nghiên cứu.
Cải thiện tâm trạng: Tiếp xúc với nhiệt độ lạnh kích hoạt hệ thần kinh giao cảm, làm tăng mức endorphin, noradrenaline trong máu và não. Tắm nước lạnh thường xuyên có thể tăng mức năng lượng tương tự như caffeine. Căng thẳng, mệt mỏi, tâm trạng tiêu cực có thể giảm khi bơi lội, hoạt động thể chất hay ngâm mình trong nước lạnh theo một số nghiên cứu.
Da và tóc khỏe mạnh: Tắm nước lạnh cũng làm tăng lưu thông máu và giảm viêm, cải thiện sức khỏe và vẻ ngoài của da và tóc. Lúc này, lỗ chân lông cũng se khít hơn.
Phục hồi sau tập luyện: Những lúc mệt mỏi sau các hoạt động thể chất, bạn có thể thử cảm giác trong bồn tắm nước lạnh. Mệt mỏi, cơn đau cơ có thể giảm và quá trình phục hồi cơ cũng tốt hơn.
Tuy nhiên, với một số người mắc các bệnh lý nhất định, tắm nước lạnh có thể gây ra những vấn đề sức khỏe. Thông thường, người mắc bệnh tim hoặc phổi không nên tắm nước lạnh và tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi thử áp dụng cách này. Nước lạnh có tác dụng co mạch máu, tăng huyết áp và nhịp tim. Tiếp xúc với nước lạnh có thể dẫn đến loạn nhịp tim ở người bệnh tim và gây phù phổi (các túi khí trong phổi chứa đầy dịch).
Tắm nước lạnh có thể kích thích trí não và cung cấp năng lượng nên thường được khuyến nghị vào đầu ngày. Tắm nước ấm hoặc nước nóng có thể cải thiện giấc ngủ nên phù hợp cho buổi tối. Tắm nước lạnh làm giảm tình trạng viêm khớp và da. Trong khi đó, ngâm mình trong nước ấm làm mở các mạch máu khắp cơ thể, có thể giảm đau nhức cơ và mệt mỏi. Tùy tình trạng sức khỏe, cảm giác thoải mái mà mỗi người lựa chọn phù hợp.
Để giảm cảm giác sốc nhiệt do lạnh, khi bắt đầu, bạn không nên tắm quá 30 giây, có thể tăng thời gian khi cơ thể thích nghi. Một cách khác là bắt đầu tắm bằng nước ấm, sau đó từ từ điều chỉnh nhiệt độ xuống thấp hơn. Hoặc bạn có thể xen kẽ tắm nước nóng 2-3 phút rồi chuyển qua nước lạnh khoảng 15 giây, thực hiện 3-4 lần và kết thúc tắm bằng nước lạnh.
Anh Ngọc (Theo Verywell Health)