Dữ liệu trên trang theo dõi hàng không FlightRadar24 hôm 17/2 cho thấy hàng loạt trinh sát cơ NATO làm nhiệm vụ tại Đông Âu, trong đó phần lớn chuyến bay diễn ra gần biên giới Nga và Belarus, cũng như không phận Ukraine.
Theo đó, ít nhất 9 trinh sát cơ Mỹ và đồng minh đã làm nhiệm vụ tại khu vực này trong một ngày. Lực lượng gồm hai máy bay tuần thám biển P-8A Poseidon của hải quân Mỹ, hai máy bay không người lái tầm xa RQ-4 Global Hawk và trinh sát cơ điện tử RC-135U Combat Sent thuộc không quân Mỹ, máy bay do thám ARTEMIS của lục quân Mỹ, hai trinh sát cơ RC-135W Rivet Joints của Anh và một chiếc S102B của Thụy Điển.
Đây đều là những trinh sát cơ hiện đại, được trang bị cảm biến tối tân, có thể thu thập nhiều thông tin tình báo sâu bên trong lãnh thổ Nga dù đang hoạt động trên vùng trời các nước đồng minh của Mỹ hoặc không phận quốc tế.
Giới chuyên gia quân sự cho rằng hoạt động của loạt trinh sát cơ này đã giúp Mỹ cùng đồng minh liên tục giám sát hoạt động của quân đội Nga gần Ukraine, thu thập lượng lớn tin tức tình báo về "đường đi nước bước" của lực lượng Nga ở biên giới.
Quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên hôm qua cho biết 40-50% lực lượng Nga triển khai gần Ukraine đã vào vị trí chuẩn bị và có thể tiến đánh nước láng giềng khi có lệnh, thêm rằng Moskva đã điều động hơn 150.000 binh sĩ đến khu vực này.
"Họ được triển khai tại các điểm tập kết chiến thuật trong 48 giờ qua. Quân đội Nga đang duy trì 125 đơn vị chiến thuật cấp tiểu đoàn (BTG) gần Ukraine, so với 60 trong trạng thái bình thường và tăng đáng kể từ mức 80 đơn vị hồi đầu tháng 2", một quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên nói với các phóng viên hôm qua.
Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 18/2 cho biết ông tin rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã quyết định tiến đánh Ukraine và cuộc tấn công có thể bắt đầu "trong những ngày tới". Ông chủ Nhà Trắng cho hay Moskva đang tiến hành chiến dịch tung tin giả, trong đó có cáo buộc Kiev lên kế hoạch tấn công, nhằm tạo cớ để binh sĩ Nga tiến vào Ukraine.
Đụng độ giữa quân chính phủ và phe ly khai ở miền đông Ukraine đang leo thang. Một nguồn tin cho biết các trận pháo kích giữa các bên tham chiến gần đây bùng phát dữ dội nhất kể từ năm 2015.
Nhiều vụ nổ ngày 18/2 được ghi nhận ở Lugansk và Donetsk, hai vùng ly khai ở Donbass. Phe ly khai ngày 18/2 thông báo bắt đầu sơ tán dân thường sang Nga do lo ngại quân chính phủ Ukraine mở đợt tấn công nhằm vào phe ly khai, song chưa đưa ra bằng chứng. Quân đội Ukraine bác bỏ cáo buộc này.
Căng thẳng giữa Moskva và phương Tây bắt đầu từ cuối năm ngoái, khi tình báo Mỹ cáo buộc Nga dồn lực lượng lớn sát biên giới Ukraine với ý định tiến đánh. Nga bác bỏ, khẳng định mọi hoạt động quân sự trên lãnh thổ là vấn đề nội bộ và chỉ nhằm mục tiêu diễn tập trước mối đe dọa từ kịch bản NATO mở rộng sang phía đông, đồng thời chỉ trích Mỹ và đồng minh phóng đại nguy cơ chiến tranh.
Bộ Quốc phòng Nga hôm 15/2 thông báo đã rút nhiều đơn vị khỏi khu vực biên giới với nước láng giềng, động thái được đánh giá là nhằm hạ nhiệt căng thẳng và bày tỏ thiện chí trong đàm phán. Tuy nhiên, Ukraine và nhiều lãnh đạo phương Tây vẫn bày tỏ hoài nghi tuyên bố của Nga, yêu cầu Moskva có động thái rút quân thực chất.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm 18/2 chỉ trích một số quan chức cấp cao phương Tây, trong đó có người đồng cấp Mỹ Antony Blinken, vì liên tục cáo buộc "Nga sắp tấn công Ukraine" và khiến dư luận lo lắng. "Tôi chắc rằng các nhà quan sát chính sách đối ngoại bình thường từ lâu tự khẳng định rằng tất cả cáo buộc đó đều là tuyên truyền, tin vịt và hư cấu", ông nói.
Xem thêm:
- 5 câu hỏi về khủng hoảng Ukraine
- Bốn tháng khủng hoảng Nga - Ukraine sục sôi
- Vì sao Nga không động binh với Ukraine?
- Mỹ muốn gì trong khủng hoảng Ukraine?
Vũ Anh (Theo Drive)