"Đến lúc này, tôi tin rằng Putin đã đưa ra quyết định. Chúng tôi có lý do để tin vào điều đó. Chúng tôi tin họ sẽ nhắm vào thủ đô Kiev của Ukraine, thành phố có 2,8 triệu người dân vô tội", Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu hôm 18/2, nói thêm rằng Washington "có năng lực tình báo đáng kể" để chứng minh nhận định.
Ông chủ Nhà Trắng cho hay Moskva đang tiến hành chiến dịch tung tin giả, trong đó có cáo buộc Kiev lên kế hoạch tấn công, nhằm tạo cớ để binh sĩ Nga tiến vào Ukraine.
"Đơn giản là không có bằng chứng nào cho những tuyên bố kiểu vậy. Người Ukraine chẳng có lý do gì để gia tăng căng thẳng một cuộc xung đột đã kéo dài nhiều năm vào thời điểm này, khi hơn 150.000 lính Nga dàn hàng ở biên giới của họ", Biden đề cập đến xung đột ở miền đông Ukraine. "Tất cả đều tương thích với vở kịch mà người Nga từng sử dụng để ngụy tạo lý do hành động chống lại Ukraine".
Bình luận của Biden được đưa ra sau khi lãnh đạo phe ly khai tại vùng Donbass, miền đông Ukraine, thông báo bắt đầu sơ tán dân thường sang Nga dựa trên cáo buộc Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky sắp ra lệnh tấn công khu vực này, nhưng không nêu bằng chứng.
Đụng độ giữa quân chính phủ và phe ly khai ở miền đông Ukraine đang leo thang. Một nguồn tin cho biết các trận pháo kích giữa các bên tham chiến gần đây bùng phát dữ dội nhất kể từ năm 2015. Tuy nhiên, giới chức Ukraine bác bỏ nhận định này, cho biết chưa có báo cáo thiệt mạng về người trong những ngày qua.
Trong bối cảnh Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken dự kiến trao đổi với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov vào ngày 24/2, Biden cho biết vẫn còn thời gian đàm phán để xuống thang khủng hoảng. "Ngoại giao luôn có thể được tiến hành", ông nói. Mặc dù vậy, Biden vẫn cảnh báo nếu cuộc tấn công xảy ra, người đồng cấp Nga Vladimir Putin sẽ "đóng cánh cửa ngoại giao".
Căng thẳng giữa Moskva và phương Tây bắt đầu từ cuối năm ngoái, khi tình báo Mỹ cáo buộc Nga dồn hơn 100.000 quân sát biên giới Ukraine với ý định tiến đánh. Nga bác bỏ, khẳng định mọi hoạt động quân sự trên lãnh thổ là vấn đề nội bộ và chỉ nhằm mục tiêu diễn tập trước mối đe dọa từ kịch bản NATO mở rộng sang phía đông, đồng thời chỉ trích Mỹ và đồng minh phóng đại nguy cơ chiến tranh.
Ngoại trưởng Lavrov hôm 18/2 chỉ trích một số quan chức cấp cao phương Tây, trong đó có Blinken, vì tiếp tục cáo buộc "Nga sắp tấn công Ukraine" và khiến dư luận lo lắng. Theo ông, giới chức phương Tây "thích thú với việc cáo buộc Nga". "Tôi chắc rằng các nhà quan sát chính sách đối ngoại bình thường từ lâu tự khẳng định rằng tất cả cáo buộc đó đều là tuyên truyền, tin vịt và hư cấu", ông nói.
"Dù Nga có làm gì, phương Tây vẫn tiếp tục nói về cách chúng tôi đe dọa Ukraine thế nào", Lavrov cho biết. "Họ cáo buộc rằng dù Nga rút quân, mối đe dọa vẫn còn. Dù Nga kết thúc các cuộc diễn tập và các đơn vị rút về căn cứ, mối đe dọa họ vẽ ra vẫn tồn tại mãi mãi".
Xem thêm:
- 5 câu hỏi về khủng hoảng Ukraine
- Bốn tháng khủng hoảng Nga - Ukraine sục sôi
- Vì sao Nga không động binh với Ukraine?
- Mỹ muốn gì trong khủng hoảng Ukraine?
Ánh Ngọc (Theo AFP)