Bộ Quốc phòng Nga hôm nay thông báo bắt đầu rút một số lực lượng về căn cứ sau khi hoàn tất diễn tập gần Ukraine, thắp thêm hy vọng về khả năng hạ nhiệt khủng hoảng Ukraine sau nhiều tuần căng thẳng. Đây là kịch bản đã được Carl Schuster, cựu giám đốc điều hành tại Trung tâm Tình báo Liên quân thuộc Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ và hiện là giảng viên Đại học Hawaii Pacific, Mỹ, dự đoán từ trước.
"Tôi không tin Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ ra lệnh tấn công Ukraine", Schuster nói với VnExpress. "Quyết định tấn công Ukraine có thể làm tổn hại nghiêm trọng uy tín toàn cầu của Mỹ và hình ảnh khu vực của NATO, nhưng cũng sẽ khiến Putin mất nhiều hơn được".
"Nó có thể hủy hoại những thành tựu kinh tế mà Tổng thống Nga đã đạt được trong thời gian nắm quyền, cũng như đe dọa gây ra tổn hại chính trị nặng nề nếu cái giá phải trả về con người và tài chính cho cuộc chiến quá lớn", chuyên gia này giải thích. "Putin đã mở ra cánh cửa cho các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí mới với phương Tây, nên một cuộc tấn công sẽ đóng sập cánh cửa đó".
Charles R Hankla, phó giáo sư về khoa học chính trị tại Đại học bang Georgia ở Atlanta, Mỹ có cùng quan điểm này. "Tôi không cho rằng ông ấy muốn phát động một cuộc tấn công toàn diện khi cân nhắc đến hậu quả", ông nói.
Theo Hankla, quyết định triển khai quân áp sát biên giới Ukraine của Putin là một động thái "ném đá dò đường" để thăm dò xem Nga có thể đi xa đến đâu trước khi Mỹ và NATO phản ứng lại.
Dù Mỹ và NATO nói rõ rằng họ không có ý định đưa quân tới Ukraine tham chiến trực tiếp nếu chiến tranh nổ ra, Washington đã thể hiện lập trường cứng rắn hơn so với những gì Moskva dự đoán. "Các lệnh trừng phạt mà Mỹ và châu Âu đe dọa áp đặt nếu Nga động binh có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế nước này, buộc Putin phải cân nhắc rất kỹ về một động thái quân sự", Hankla nói.
Theo ông, cân nhắc thiệt - hơn đó khiến Putin phải chấp nhận một số nhượng bộ nhỏ và rút lực lượng vào thời gian thích hợp, khi Mỹ và NATO kiên quyết không chấp nhận những yêu cầu an ninh cốt lõi của Nga.
Moskva dường như cũng chừa cho mình một đường lui, khi nhiều lần bác bỏ khả năng tấn công Ukraine. Moskva khẳng định mọi hoạt động quân sự sát biên giới phía tây là vấn đề nội bộ và chỉ nhằm mục tiêu diễn tập trước mối đe dọa từ kịch bản NATO mở rộng sang phía đông, đồng thời chỉ trích Mỹ và đồng minh phóng đại nguy cơ chiến tranh.
Dấu hiệu xuống thang bắt đầu được Nga thể hiện ngày 14/2, khi Dmitry Peskov, người phát ngôn Điện Kremlin, cho biết Tổng thống Putin sẵn sàng thảo luận về những yêu cầu đảm bảo an ninh và tình hình Ukraine. "Ukraine chỉ là một phần của vấn đề lớn hơn về đảm bảo an ninh cho Nga. Và tất nhiên, Tổng thống Putin sẵn sàng đàm phán", Peskov nói.
Trước đó, khi họp với Tổng thống Putin, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cũng cho rằng Moskva nên tiếp tục theo đuổi con đường ngoại giao để đạt được mục tiêu của mình, dù nhấn mạnh "nỗ lực ngoại giao không nên kéo dài vô tận". Putin nhất trí với quan điểm này.
Các chuyên gia Nga cũng đã nhận định rằng họ không thấy khả năng Putin sẽ phát lệnh tấn công, bất chấp những cảnh báo mà Mỹ và phương Tây liên tục đưa ra gần đây.
"Tôi không thấy cơ sở nào để cho rằng một cuộc tấn công sẽ xảy ra. Tôi không biết nó sẽ mang lại được gì. Tổn thất sẽ rất lớn, trong khi kết quả rất hạn chế", Andrei Kortunov, người đứng đầu Hội đồng Các vấn đề Quốc tế Nga (RIAC), tổ chức nghiên cứu có liên kết với Điện Kremlin, nói.
Kortunov nhận định động thái gây sức ép ở biên giới Ukraine gần đây của Nga nhằm hai mục tiêu. Thứ nhất, Moskva muốn Mỹ và NATO phải giải quyết những đề xuất an ninh của Nga, trong đó có yêu cầu Ukraine không được kết nạp vào NATO, một liên minh quân sự "chống Nga" trong mắt hầu hết người dân nước này.
"Putin sẽ chỉ chấp nhận một Ukraine trung lập là thành viên của Liên minh châu Âu", Schuster nói. "Nếu Ukraine được kết nạp làm thành viên NATO, đó sẽ là nỗi sỉ nhục với Putin và người dân Nga".
NATO dường như không có dấu hiệu nhượng bộ yêu cầu này. 30 thành viên liên minh đã từ chối bất kỳ nỗ lực nào nhằm hạn chế khả năng kết nạp thành viên mới. "Chúng tôi sẽ không cho phép bất kỳ ai ngăn cản chính sách mở cửa của NATO", Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman, nói.
Fyodor Lukyanov, người đứng đầu Hội đồng Chính sách Quốc phòng và Đối ngoại ở Moskva, cho rằng ngoài biện pháp quân sự, Putin vẫn có thể gia tăng sức ép với phương Tây theo những cách khác để đạt được mục tiêu của mình.
"Tính toán của Putin không phải là giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine bằng chiến tranh, mà là đặt phương Tây vào bàn đàm phán về các nguyên tắc dàn xếp an ninh châu Âu", Lukyanov nói. "Tất cả những gì chúng tôi biết về Putin cho thấy ông ấy không phải là một người dựa vào may rủi".
Ngoài mục tiêu này, chuyên gia cho rằng một lý do khác khiến Nga khó động binh với Ukraine là tác động từ dư luận trong nước.
"Hầu hết người Nga coi Ukraine là phần quan trọng cho bản sắc châu Âu của Nga và là vùng đệm chống lại các mối đe dọa từ phương Tây", Schuster cho hay. "Tuy nhiên, người dân Nga không muốn chiến tranh, cũng như không chấp nhận thêm tổn hại kinh tế vì Ukraine".
Nhiều chuyên gia bày tỏ lạc quan về triển vọng tình hình sau khi Nga rút một phần lực lượng ở biên giới với Ukraine, nhưng vẫn tỏ ra thận trọng về tính toán trong tương lai của Moskva. "Mối quan hệ Nga - Ukraine vẫn sẽ là một điểm nóng trong chính trị quốc tế, ngay cả khi Putin chấp nhận một số nhượng bộ nhỏ", phó giáo sư Hankla nói.
Xem thêm:
- 5 câu hỏi về khủng hoảng Ukraine
- Lý do Mỹ tố Nga 'sắp tấn công'
- Ba tháng khủng hoảng Nga - Ukraine tăng nhiệt
Thanh Tâm