Khủng hoảng Ukraine leo thang trong vài ngày qua, sau khi Mỹ liên tục cảnh báo Nga "có thể tấn công bất cứ lúc nào", đồng thời ra lệnh hủy thiết bị, đóng cửa đại sứ quán ở Kiev và chuyển nhân viên ngoại giao tới thành phố Lviv sát biên giới Ba Lan. Sau quyết định của Mỹ, loạt nước phương Tây cũng kêu gọi công dân rời Ukraine càng sớm càng tốt và sơ tán hầu hết nhân viên ngoại giao khỏi Kiev.
Đại tá Nguyễn Minh Tâm, nguyên Giám đốc Trung tâm Tư liệu Khoa giáo, Học viện Chính trị Công an Nhân dân, chỉ ra rằng loạt động thái này được Mỹ thực hiện với lo ngại về "hành động quân sự của Nga", trong khi Moskva đã nhiều lần khẳng định không có kế hoạch tấn công vào nước láng giềng Ukraine. Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky cũng nhiều lần bác bỏ cảnh báo từ phương Tây, cho rằng tình hình hiện nay "không có gì mới".
"Khi chủ động cáo buộc Nga có kế hoạch tấn công Ukraine, Mỹ tạo ra nỗi sợ hãi đối với các đồng minh trong khối NATO, đặc biệt là dư luận các nước này", đại tá Tâm nói với VnExpress. "Đây là một phần trong chiến lược của Mỹ nhằm kiềm chế các cường quốc mới nổi thông qua biện pháp gây bất ổn có kiểm soát và tạo nỗi bất an thường trực".
Theo ông Tâm, trong bối cảnh quan hệ giữa Đức và Tây Âu với Nga ấm lên, cũng như tác động từ chính sách hạn chế can dự của Mỹ vào châu Âu từ thời Donald Trump, Tổng thống Joe Biden phải tìm cách tăng cường ảnh hưởng với châu Âu và một trong những biện pháp thường được Washington áp dụng là nêu lên "mối đe dọa từ Nga".
Ông Nguyễn Đăng Phát, chuyên gia về Nga và các nước châu Âu, cũng có chung nhận định, khi cho rằng để củng cố quan hệ với đồng minh châu Âu và cần lý do để tăng thêm quân ở các nước này, Mỹ phải không ngừng nhấn mạnh mối đe dọa từ Nga đối với vấn đề Ukraine.
"Chiến dịch rút quân khỏi Afghanistan được coi là một thất bại của Mỹ và NATO, nên họ cần làm điều gì đó để thể hiện sức mạnh và thái độ cứng rắn. Đối thủ về mặt quân sự chỉ có Nga, quốc gia sở hữu kho vũ khí hạt nhân lớn", ông Phát nói.
Ông Phát nhận định quan hệ giữa Moskva với phương Tây từ lâu tồn tại nhiều bất đồng, đặc biệt tích tụ sau sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014, song vấn đề Ukraine gần đây được chú trọng và thậm chí bị đẩy lên thành vấn đề duy nhất.
Để tháo ngòi nổ khủng hoảng, Nga đã đưa ra đề xuất an ninh với 8 điểm mấu chốt, bao gồm yêu cầu NATO rút toàn bộ binh sĩ và vũ khí khỏi những nước gia nhập sau năm 1997, ngừng mở rộng về phía đông, không kết nạp Ukraine và Gruzia, không tổ chức diễn tập tại Ukraine, Đông Âu, Trung Á và Kavkaz nếu Nga chưa đồng ý, rút Tên lửa tầm ngắn quanh Kaliningrad và vùng gần biên giới Nga.
Nga cũng yêu cầu NATO ký hiệp ước an ninh châu Âu mới cho Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), vốn được cho không còn khả năng ảnh hưởng tích cực đến tình hình khu vực châu Âu - Đại Tây Dương. Nga còn yêu cầu Mỹ phải rút tên lửa tầm trung bố trí tại châu Âu và nhằm vào Nga, đồng thời tiếp tục đàm phán khôi phục Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF).
Tuy nhiên, Mỹ và NATO đã thẳng thừng bác bỏ các yêu cầu an ninh cốt lõi nhất của Nga, khẳng định chỉ có thể đàm phán những vấn đề thứ yếu trong bản đề xuất an ninh này. Nga chưa đưa ra câu trả lời cuối cùng cho phản hồi từ phương Tây, trong khi Mỹ vẫn liên tục điều thêm quân, khí tài đến châu Âu và phát đi những thông điệp đe dọa trừng phạt nếu Moskva động binh.
Dựa vào NATO để tăng ảnh hưởng
"Mỹ và các đồng minh NATO coi tăng cường mở rộng liên minh không chỉ nhằm gây sức ép lẫn kiềm chế Nga, mà còn tạo sức mạnh quân sự có tính chi phối toàn cầu, trước mắt là ở châu Âu. NATO đóng vai trò lực lượng tiên phong của Mỹ trong cuộc đối đầu với Nga để bảo đảm lợi ích của họ ở châu Âu", đại tá Tâm cho biết.
Theo ông Phát, Nga ban đầu đặt mục tiêu đàm phán với Mỹ vì biết nước này đóng vai trò chính trong NATO lẫn các vấn đề an ninh châu Âu. "Khi soạn yêu cầu gửi Mỹ và NATO, Nga đặt mục tiêu ở mức tối đa, dù biết khả năng đối phương đáp ứng là rất mong manh, đặc biệt là cam kết mang tính ràng buộc rằng NATO sẽ không kết nạp Ukraine hay quay lại hiện trạng trước năm 1997", ông nói.
Ông cho rằng các đợt điều quân và tập trận gần biên giới Ukraine gần đây được Nga công khai nhằm tạo ra tác động lớn để hướng đến đàm phán, thể hiện thái độ cứng rắn của Moskva đối với phương Tây.
Mỹ và phương Tây thể hiện nhượng bộ khi ngồi vào bàn đàm phán với Nga trong lúc căng thẳng leo thang. Còn Nga cũng có bước xuống nước, khi chấp nhận đối thoại ba bên gồm Mỹ, NATO và OSCE với cùng một vấn đề, dù ban đầu chỉ muốn đàm phán với Mỹ.
"Tuy nhiên, các cuộc đàm phán không tập trung thảo luận về những đề xuất cốt lõi của Nga. Mỹ và phương Tây đã đưa ra những 'phản đề nghị', hướng vào việc bảo đảm minh bạch các cuộc tập trận, vấn đề tên lửa tầm trung, tầm ngắn ở châu Âu", ông Phát nói.
Nga sau đó yêu cầu Mỹ và NATO trả lời bằng văn bản về đề xuất an ninh của mình. Sau khi nhận được hồi đáp, Nga cho rằng đối phương phớt lờ những đòi hỏi chính yếu của nước này và muốn lái sang vấn đề thứ yếu. "Tuy nhiên, những cuộc trao đổi này cho thấy nỗ lực đàm phán sẽ còn tiếp tục", ông nhận định.
Tương lai khủng hoảng
Ông Phát cho biết Nga điều quân sát biên giới Ukraine nhằm gây sức ép với phương Tây, song khó mở chiến dịch tấn công tổng lực vào nước láng giềng. Mỹ cũng đã điều chỉnh cách đề cập vấn đề, khi Nhà Trắng ngày 2/2 thông báo sẽ không dùng từ "cận kề" để mô tả nguy cơ Nga động binh với Ukraine, do "cách gọi này gửi thông điệp sai và gây tranh cãi".
Đại tá Tâm cho rằng dù Nga nắm thể chủ động trong ván cờ Đông Âu, họ không muốn chiến tranh. Tổng thống Putin từng cảnh báo không ai chiến thắng nếu chiến tranh nổ ra, trong khi nhiều thành viên NATO như Đức, Pháp, Italy, Ba Lan hay các nước vùng Baltic cũng không muốn xung đột bùng nổ.
"Đó là lý do Thủ tướng Đức Scholz tới Mỹ và Tổng thống Pháp Macron tới Nga công du", ông Tâm nói. "Các quốc gia hàng đầu EU này áp dụng chính sách khôn khéo để tiếp tục đàm phán với Nga, đồng thời giảm sự chi phối của Mỹ mà không làm phật lòng Washington".
Nỗ lực ngoại giao con thoi này nhiều khả năng sẽ giúp khủng hoảng không tiếp tục leo thang, đặc biệt sau khi Bộ tứ Normandy gồm Nga, Ukraine, Đức và Pháp tái khởi động Thỏa thuận Minsk về ngừng bắn ở vùng Donbass, miền đông Ukraine.
Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định dù cường độ giảm bớt, căng thẳng Ukraine sẽ tiếp tục kéo dài. Đây sẽ là kịch bản mà Mỹ ưu tiên lựa chọn, khi họ luôn muốn đặt châu Âu "bên miệng hố chiến tranh".
Theo đại tá Tâm, mục tiêu lớn của Mỹ là ngăn Nga trỗi dậy và có vai trò lớn hơn trên thị trường châu Âu đang dần kết nối chặt chẽ với Trung Quốc. Washington dường như cũng muốn tiếp tục áp đặt ảnh hưởng đáng kể với các đồng minh ở châu Âu, tính toán mà các đầu tàu của EU như Đức và Pháp dường như đã nhận ra và đang nỗ lực đóng vai trò tích cực hơn trong giải quyết khủng hoảng Ukraine.
"Nếu ngọn lửa khủng hoảng không được kiểm soát, các nước châu Âu sẽ phải hứng chịu xung đột vũ trang, thậm chí là một cuộc chiến tổng lực. Lãnh đạo Đức, Pháp hay Ba Lan đều hiểu nếu chiến tranh nổ ra, họ sẽ là bên lãnh hậu quả đầu tiên", đại tá Tâm nói. "Người Ukraine rốt cục sẽ là nạn nhân lớn nhất trong kịch bản đó".
Xem thêm:
- 5 câu hỏi về khủng hoảng Ukraine
- Ba hướng binh lực Nga quanh Ukraine
- Ba tháng khủng hoảng Nga - Ukraine tăng nhiệt
Nguyễn Tiến