Nghiên cứu do Đại học Yale thực hiện, vừa được trình bày tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội Ung thư lâm sàng Mỹ ở Chicago. Thuốc osimertinib, tên thương mại là Tagrisso, AstraZeneca sản xuất, đã "giảm đáng kể" nguy cơ tử vong ở bệnh nhân ung thư phổi.
Thử nghiệm lâm sàng do tiến sĩ Roy Herbst, Phó giám đốc Trung tâm Ung thư Yale dẫn đầu, với sự tham gia của các bệnh nhân độ tuổi từ 30 đến 86 ở hàng chục quốc gia. Các nhà khoa học đã xem xét liệu thuốc có hiệu quả trên bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ, dạng bệnh phổ biến nhất, hay không.
Các bệnh nhân thử nghiệm đều có đột biến gene EGFR, được tìm thấy trong khoảng một phần tư số ca ung thư phổi trên toàn cầu, chiếm 40% trường hợp ở châu Á. Đột biến EGFR phổ biến ở phụ nữ hơn nam giới, có cả ở người chưa từng hút thuốc.
Sau 5 năm nghiên cứu, 88% người bệnh uống thuốc hàng ngày vẫn còn sống sót, cao hơn so với 78% bệnh nhân điều trị bằng giả dược. Nhìn chung, nguy cơ tử vong ở những người dùng osimertinib thấp hơn 51% so với nhóm đối chứng.
Mức độ hiệu quả của thuốc thể hiện một cách nhất quán, trong phân tích toàn diện, ở cả những người mắc ung thư giai đoạn một, hai và ba. Thuốc có tác dụng trên cả những bệnh nhân chưa thực hiện hóa trị.
Phát biểu tại Chicago, tiến sĩ Herbst cho biết đây là kết quả "đáng kinh ngạc", củng cố những nghiên cứu trước đó, chỉ ra rằng osimertinib giảm một nửa nguy cơ tái phát bệnh.
"30 năm trước, chúng tôi không có cách điều trị cho những bệnh nhân này. Giờ đây, chúng tôi đã sở hữu loại thuốc rất hiệu quả trong tay. 50% là một con số lớn đối với bất kỳ căn bệnh nào, càng có ý nghĩa đối với một căn bệnh như ung thư phổi, thường kháng lại các liệu pháp điều trị", ông nói.
Theo ông, osimertinib có thể trở thành "tiêu chuẩn chăm sóc" cho 25% số bệnh nhân ung thư phổi có đột biến gene EGFR trên toàn thế giới. Anh, Mỹ và một số quốc gia khác có thể dễ dàng tiếp cận loại thuốc này.
Tiến sĩ Herbst cho biết hiện không phải tất cả người được chẩn đoán mắc ung thư phổi đều xét nghiệm đột biến EGFR. Ông cho rằng ngành y tế cần thay đổi quy trình này, bởi việc xác định đột biến gene rất quan trọng trong quá trình điều trị. Đặc biệt, chỉ những bệnh nhân có đột biến EGFR mới đủ điều kiện dùng osimertinib. Tác dụng phụ của thuốc là gây mệt mỏi nghiêm trọng, ngứa da hoặc tiêu chảy.
Angela Terry, chủ tịch của EGFR Positive UK, một tổ chức từ thiện về ung thư phổi, cho biết kết quả nghiên cứu mới "rất thú vị" và cực kỳ quan trọng. Theo bà, 88% bệnh nhân sống sót sau 5 năm là tin tích cực. Ung thư phổi hiện là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu thế giới, chiếm khoảng 1,8 triệu ca tử vong mỗi năm.
Thục Linh (Theo Guardian)