Liệu pháp thay thế hormone (HRT) còn gọi là liệu pháp thay thế testosterone (TRT), được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt để điều trị cho nam giới được chẩn đoán mắc chứng suy sinh dục. Nam giới có thể được xác định là suy sinh dục khi tổng mức testosterone dưới 300 nanogram trên mỗi deciliter máu (ng/dL) và có ít nhất một triệu chứng liên quan đến testosterone thấp.
Testosterone là hormone sinh dục chính, tham gia vào sự phát triển các đặc điểm giới tính nam, sản xuất tinh trùng và khả năng sinh sản. Nồng độ hormone này đạt đỉnh ở tuổi 30 và sau đó giảm 1% mỗi năm. Nam giới có testosterone thấp có thể bị suy giảm ham muốn tình dục hoặc rối loạn cương dương, mất khối lượng cơ bắp, loãng xương, mỡ bụng, rụng tóc, lo lắng, mệt mỏi, tăng tiết mồ hôi...
Liệu pháp HRT giúp nam giới tăng mức năng lượng, cải thiện ham muốn tình dục, chức năng cương dương, tăng cơ, ổn định tâm trạng. HRT cũng có thể làm giảm nguy cơ loãng xương và bệnh tim ở nam giới, dù cần nghiên cứu thêm.
Lợi ích của HRT
Testosterone có thể được bổ sung qua nhiều hình thức khác nhau bao gồm:
- Tiêm bắp (vào cơ), thường 2-3 tuần một lần.
- Miếng dán vào lưng, phần trên cánh tay, bụng hoặc đùi và được thay đổi sau mỗi 24 giờ.
- Gel và chất lỏng bôi lên da vào buổi sáng. Phương pháp này có khả năng khiến người khác tiếp xúc với testosterone, vì vậy lý tưởng là bôi chúng lên vùng da có quần áo che phủ.
- Mô cấy ghép, thường là bên dưới da ở hông sau 3-6 tháng. Đây là thủ thuật xâm lấn và cần phải gây mê.
- Gel mũi được bôi vào lỗ mũi ba lần một ngày, không có khả năng ảnh hưởng đến sản xuất tinh trùng.
- Viên nang uống hai lần một ngày cùng với thức ăn.
Các phương pháp này đều có hiệu quả đưa testosterone về mức tiêu chuẩn và hỗ trợ điều trị các triệu chứng liên quan đến testosterone thấp. Lựa chọn sử dụng loại nào phụ thuộc vào các yếu tố như chi phí, mức độ dung nạp điều trị của một người, độ thuận tiện...
Rủi ro và tác dụng phụ
Liệu pháp này cũng có thể mang lại một số rủi ro và tác dụng phụ như nổi mụn, giữ nước, tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư như ung thư tuyến tiền liệt, tăng huyết áp, nở ngực ở nam giới, teo tinh hoàn, vô sinh, kích ứng da.
Bác sĩ kiểm tra nồng độ testosterone tùy vào phương thức sử dụng. Ví dụ, nồng độ hormone có thể được kiểm tra 8 tiếng sau khi bôi gel testosterone lên da hoặc trước lần tiêm thứ hai nếu sử dụng phương pháp tiêm bắp. Bất kể liệu pháp nào, người bệnh cần được theo dõi trong vòng 3-6 tháng kể từ khi bắt đầu điều trị và hằng năm để đánh giá nồng độ testosterone, các tác dụng phụ. Tùy độ tuổi và tiền sử gia đình, nam giới cũng có thể được đánh giá nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt bằng cách khám trực tràng và mức kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt (PSA).
Nam giới nên ngừng điều trị bằng testosterone nếu không có cải thiện rõ rệt. Đàn ông lớn tuổi nhiều khả năng gặp tác dụng phụ của testosterone hơn người trẻ tuổi. Một trong các nguyên nhân là khi lớn tuổi, cơ thể phân hủy testosterone với tốc độ chậm hơn, dẫn đến nồng độ hormone trong máu cao hơn.
Nam giới không nên dùng liệu pháp thay thế testosterone nếu mắc các tình trạng như ung thư tuyến tiền liệt, ung thư vú, suy tim mạn tính nặng, đau tim hoặc đột quỵ cách đó 6 tháng, ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn chưa được điều trị, dự định có con sớm. Testosterone còn có thể tương tác với một số loại thuốc và chất bổ sung. Do đó, nam giới nên tham khảo ý kiến bác sĩ để xem HRT có phù hợp với mình hay không.
Anh Ngọc (Theo Verywell Health)