Được gọi là liệu pháp tác động kép, phương pháp mới có thể loại bỏ tế bào ác tính hiện có, đào tạo hệ miễn dịch tiêu diệt các khối u mới, từ đó ngăn ngừa ung thư tái phát.
"Nhóm chúng tôi đã theo đuổi một ý tưởng đơn giản: lấy tế bào ung thư và biến chúng thành thuốc diệt ung thư, hoặc vaccine ung thư", tiến sĩ Khalid Shah, Bệnh viện Brigham và Phụ nữ tại Boston, Mỹ, cho biết, ngày 6/4.
Phương pháp mà Shah và các đồng nghiệp thử nghiệm có điểm độc đáo. Thay vì sử dụng các tế bào khối u không hoạt động như những nghiên cứu trước đó, nhóm chuyên gia dùng tế bào u sống, sau đó biến đổi gene và đưa chúng trở lại vị trí ung thư đang phát triển. Từ đây, chúng sẽ giải phóng một tác nhân tiêu diệt các tế bào khối u "đồng loại".
Ngoài ra, khối u đã biến đổi gene (còn gọi ThTC) được thiết kế giúp hệ miễn dịch dễ dàng nhận diện, gắn cờ và ghi nhớ, từ đó có phản ứng ngăn ngừa lâu dài, tránh tái phát.
Tiến sĩ Shah và các đồng nghiệp cũng xây dựng "công tắc" an toàn hai lớp trong tế bào ung thư, khi được kích hoạt sẽ loại bỏ ThTC nếu cần. Như vậy, liệu pháp tế bào tác động kép này trở nên an toàn, có thể áp dụng hiệu quả, phù hợp với các lộ trình điều trị thông thường.
Các nhà khoa học đã thử nghiệm liệu pháp trên u nguyên bào thần kinh đệm ung thư não. Kết quả thu được đầy hứa hẹn. Các con chuột thí nghiệm mang tế bào tủy xương, gan và tuyến ức có nguồn gốc từ người, đã cải thiện đáng kể sau khi được tiêm vaccine.
Theo tiến sĩ Shah, ung thư não là loại ung thư khó điều trị, thường có tiên lượng xấu. Ước tính có khoảng 251.000 người chết vì ung thư não nguyên phát và khối u hệ thần kinh trung ương trên toàn cầu, vào năm 2020.
Các triệu chứng của ung thư não gồm nhức đầu không giảm sau khi dùng thuốc, yếu chân tay, mặt hoặc một bên cơ thể, suy giảm khả năng phối hợp, đi lại, đọc nói khó khăn, thay đổi tâm trạng, tính cách hoặc hành vi. Nhiều bệnh nhân có thể bị mất trí nhớ hoặc nôn mửa.
Một số phương pháp điều trị hiện có gồm phẫu thuật, xạ trị và hóa trị. Tuy nhiên, không phải lúc nào chúng cũng hiệu quả, có thể để lại tác dụng phụ đáng kể.
Thục Linh (Theo ScienceDaily, Epoch)