Phương tiện công cộng sẽ là lời giải cho bài toán ùn tắc giao thông ở Việt Nam, vì nguyên nhân chính gây nên tình trạng kẹt xe là quá tải phương tiện cá nhân mà cụ thể là xe máy, ôtô. Nhiều người cứ biện minh "đi xe máy chiếm diện tích nhỏ trên mặt đường", nhưng đó là góc nhìn của sự tiện lợi. Còn chẳng có nơi nào trên thế giới mà người ta đi xe máy nhiều như Việt Nam.
Xe máy rất lộn xộn, nhìn bộ mặt đô thị không sang lên được. Thế nên, chúng ta phải xác định tập trung xây dựng metro và mạng lưới xe buýt thuận tiện hơn nữa. Khi đó, tự khắc việc cấm xe máy và thu phí ôtô vào nội đô sẽ trở nên khả thi hơn nhiều.
Không ít người Việt lười đi bộ sẽ đổ lỗi cho việc đi lại trên vỉa hè để tới bến tàu, trạm xe buýt rất bất tiện. Nhưng thực tế, chẳng có nước nào làm bến tàu, trạm xe buýt trước cửa nhà dân cả.
Có người kêu xe buýt chất lượng kém này kia, thì xin mời sang Bangkok (Thái Lan) để xe họ có nhiều xe buýt cũ kỹ, tồi tàn đến mức không có cửa kính hay điều hòa, thế mà người ta vẫn sử dụng bình thường mỗi ngày đấy thôi. Trong khi đó, xe buýt của ta liên tục được nâng cấp, cải tiến, có thêm cả xe buýt điện, mát mẻ, sạch sẽ, vậy các bạn còn đòi hỏi gì nữa?
Đúng là Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc hay Ấn Độ vẫn có xe máy. Nhưng họ đã có phương tiện công cộng gánh cho một phần. Ở Trung Quốc, người ta cũng cấm xe máy ở Quảng Châu, Thượng Hải rồi. Tôi đi Thái Lan tháng 5 vừa rồi, thấy tỷ lệ xe máy của họ vẫn ít hơn Việt Nam. Indonesia đông dân nhưng số lượng xe máy cũng không như ở Việt Nam. Còn các thành phố Delhi, Mumbai của Ấn Độ cũng đều có metro và skytrain gánh bớt một phần lưu lượng tham gia giao thông. Chỉ có ở ta là tỷ lệ sử dụng xe máy vẫn cứ duy trì ở mức cao năm này qua năm khác.
>> Vì sao người Việt mãi quanh quẩn với xe máy?
Một số người lo cấm xe máy thì người dân chuyển sang đi ôtô và đường vẫn không thể hết tắc. Nhưng ở đây tôi muốn nhấn mạnh là giải pháp hạn chế tắc đường chứ làm sao mà hết tắc hoàn toàn được. Nhiều skytrain như Bangkok mà giờ cao điểm vẫn ùn tắc nhưng họ vẫn kiên quyết làm đến cùng đó thôi. Đó là sự văn minh và hiện đại của một đô thị lớn. Có thể các bạn bây giờ lười đi bộ nên xem thường metro nhưng các thế hệ trẻ sau này sẽ khác. Họ sẽ không mãi ôm lấy chiếc xe máy, trông rất nhếch nhác và luộm thuộm.
Tất nhiên, chỉ xây dựng được chục tuyến metro, còn sau đó muốn đi lại người dân phải kết hợp với xe buýt hoặc đi bộ. Chẳng có ở đâu mà metro phủ kín các con đường được. Hiện nay, chúng ta mới chỉ có một tuyến metro số 1 nên chưa tiện cho tất cả nhưng phát triển dần dần thì mọi chuyện sẽ khác.
Tóm lại, tôi cho rằng, muốn đường bớt tắc, ngoài làm metro thì người dân phải tự giác từ bỏ xe máy. Còn nếu cứ bảo thủ với lý lẽ đường không sạch sẽ, nắng nóng, ít cây xanh, không tiện... thì chúng ta sẽ mãi mãi đi xe máy và bộ mặt đô thị sẽ không thể phát triển được. Đừng cố bảo vệ cho xe máy nữa, nó tiện lợi nhưng cũng là phương tiện lộn xộn nhất. Phải thay đổi thì mới thành công.
- 20 năm bàn lùi 'cấm xe máy'
- 'Cấm xe máy để trả lại vỉa hè cho người đi bộ'
- Cấm xe máy thế nào khi giao thông 'rùa bò'?
- 'Cấm xe máy' nhìn từ đường Lê Văn Lương
- 'Hãy kiên quyết từ bỏ xe máy'
- 'Không sớm cấm xe máy, TP HCM còn tắc dài'