Năm 2015 xảy ra hai cuộc tranh chấp, tranh cãi về tác quyền nổi cộm, thu hút sự quan tâm của dư luận và giới chuyên môn. Bài thơ Bạch Lộ của Phan Huyền Thư giống bài Buổi sáng của Phan Ngọc Thường Đoan, còn tác giả Ngô Xuân Phúc tranh chấp tác quyền Tổ Quốc gọi tên với nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai.
Đầu tháng 10, ông Ngô Xuân Phúc (Nghệ An) lên tiếng bài thơ Tổ quốc gọi tên do ông sáng tác. Tác phẩm này lâu nay được biết với tên tác giả là Nguyễn Phan Quế Mai. Sau nhiều tranh cãi, Nguyễn Phan Quế Mai tuyên bố không lên tiếng và không mất thời gian vào vụ tranh chấp vô lý.
Trong khi vụ việc trên chưa ngã ngũ, bài thơ Bạch lộ của nhà thơ Phan Huyền Thư in trong cuốn Sẹo độc lập - tập thơ được Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội 2015 - bị phát hiện giống bài Buổi sáng của Phan Ngọc Thường Đoan.
Sau nhiều tranh cãi, ngày 22/10, Phan Huyền Thư thừa nhận Bạch lộ ra đời sau Buổi sáng, đồng thời xin lỗi Phan Ngọc Thường Đoan và độc giả. Câu chuyện khép lại nhưng dư âm buồn về nạn đạo văn, nhập nhằng quyền tác giả sáng tác nghệ thuật vẫn phủ bóng mờ lên đời sống văn chương những tháng cuối năm.
Ngoài hai vụ nổi cộm, trong năm xuất hiện nhiều trường hợp vi phạm tác quyền khiến người trong cuộc bức xúc. Các tác giả có tác phẩm bị xâm hại đã thẳng thắn lên tiếng đòi quyền lợi và sự tôn trọng. Có vụ được giải quyết triệt để nhưng cũng có trường hợp tác quyền là câu hỏi bị bỏ lửng. Trong tháng 5 xảy ra cuộc tranh chấp tác quyền truyện ngắn Ba tôi giữa họa sĩ Thăng Fly và công ty Sunrise khi chương trình Quà tặng cuộc sống chuyển truyện ngắn này thành phim và phát sóng. Sự việc rơi vào bế tắc khi công ty Sunrise không có động thái giải quyết thỏa đáng nào. Từ vụ này, nhiều tác giả truyện ngắn cùng lên tiếng cho biết tác phẩm của họ được dựng thành phim phát trong chương trình Quà tặng cuộc sống mà không được xin phép, trả tác quyền.
Cũng là một vụ vi phạm bản quyền nhưng trường hợp tác phẩm Mật ngữ rừng xanh của tác giả Lê Hữu Nam đạt được cái kết đẹp hơn. Tháng 8, Lê Hữu Nam chấm dứt hợp đồng với công ty sách Bách Việt Books vì phát hiện công ty này công bố không đúng số lượng phát hành tác phẩm của anh - đồng nghĩa với việc quỵt tiền tác quyền của tác giả. Sau khi vụ việc gây chú ý, đại diện công ty Bách Việt đã xin lỗi và bồi thường Lê Hữu Nam số tiền 7,5 triệu đồng.
Từ đó, nhiều tác giả và người làm sách lên tiếng về sự mập mờ trong số lượng bản in đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi người sáng tác.
Ngay trong tháng 8, Cục Bản quyền tác giả và Hội xuất bản Việt Nam tổ chức một tọa đàm ở TP HCM mổ xẻ các nguyên nhân khiến vòng luẩn quẩn trong ngành xuất bản Việt gây hại quyền tác giả, như: tác giả, người làm sách thiếu kiến thức về bản quyền xuất bản, nạn in lậu, cơ chế quản lý lỏng lẻo của cơ quan chức năng... Theo Cục Bản quyền tác giả, từ khi ký hiệp định thương mại với Mỹ, Việt Nam bị đưa vào danh sách theo dõi hàng năm về thực thi bản quyền tác giả trên các lĩnh vực. Trong đó, qua báo cáo số liệu của Mỹ, lĩnh vực xuất bản thuộc số ngành bị xâm phạm quyền tác giả nhiều nhất.
Nếu các tháng cuối năm, tranh cãi tác quyền gây bão dư luận, thì từ những tháng đầu năm, vấn đề sách lậu, sách in cẩu thả (ấn phẩm thiếu nhi), sai sót, sự cố trong lĩnh vực xuất bản do cơ chế quản lý... là chủ đề được quan tâm.
Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh - giám đốc công ty sách Alpha Books - nhận xét về làng sách 2015: "Nạn sách lậu vẫn còn phổ biến, nhiều nhà xuất bản hoạt động cầm chừng và không đáp ứng được yêu cầu, sách cho tuổi teen và ngôn tình chiếm ưu thế...".
Theo báo cáo tổng kết hoạt động sáu tháng đầu năm của Cục xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin Truyền thông), cả nước có 39 Nhà xuất bản không đủ điều kiện hoạt động. Thiếu kinh phí, thiếu người đứng đầu... là những yếu tố khiến gần 2/3 nhà xuất bản trên cả nước đối mặt nguy cơ giải thể.
Về vấn đề sách lậu, ông Nguyễn Văn Phước - Giám đốc công ty sách First News cho biết dù nhiều lần lên tiếng mạnh mẽ, năm qua, đơn vị của ông phải đi "phá ổ" sách lậu ít nhất năm lần. "Chưa kể nhiều đầu sách khác, chỉ tính riêng cuốn Đắc nhân tâm của đơn vị chúng tôi bị đến 12 nơi in lậu. Khi bị phát hiện, các cơ sở này vẫn chưa bị cơ quan chức năng xử phạt mạnh tay đủ để họ không dám tái phạm, không dám thu lợi một cách bất chính. Thật sự, tôi thấy các cơ quan chức năng chưa đặt vấn nạn sách lậu lên thành một vấn đề cần được xử lý triệt để", ông Phước chia sẻ.
Chuyện in lậu sách trong nước khiến Nhà xuất bản Mỹ HarperCollins bức xúc khi cuốn Bí mật tư duy triệu phú do họ bán bản quyền cho First News bị in lậu tràn lan ở Việt Nam. Đơn vị này đang nhờ đến sự tư vấn pháp lý để có thể bắt tay cùng First News tuyên chiến với in lậu, hy vọng cải thiện tình hình trong thời gian tới.
Bên cạnh cuộc chiến dai dẳng với sách lậu, tình trạng đơn vị làm sách để xảy ra sai sót vì lỗi biên tập cẩu thả ở các khâu cũng là vấn đề đau đầu với bạn đọc. Những vụ việc như sách thiếu nhi dùng ngôn từ phản cảm, minh họa không phù hợp, sách biên soạn, biên tập cẩu thả... xuất hiện nhiều khiến dư luận gióng tiếng nói mạnh mẽ về thực trạng.
Trước các mặt trái tồn đọng, Cục Xuất bản cùng cơ quan chức năng đã nỗ lực cải thiện tình trạng
Một vài động thái mạnh tay đã được áp dụng, dù chưa phổ biến, vẫn cho thấy sự cương quyết giải quyết tình trạng chung. Trong tháng 9, nhà sách Thành Nghĩa bị phạt hơn 200 triệu đồng do phát hành sách không bản quyền, sách đã có quyết định đình chỉ, thu hồi.
Tháng tư, Cục Xuất bản ngừng cho đăng ký sách ngôn tình, đồng tính nam vì nhận xét nhiều sách ngôn tình, sách về quan hệ đồng tính nam là "vô bổ, thô tục". Đầu tháng 12, Cục Xuất Bản cho biết từ ngày 1/1/2016, các biên tập viên buộc phải có chứng chỉ hành nghề thì sách họ biên tập mới được phép xuất bản. Các động thái này của Cục còn vấp rất nhiều ý kiến trái chiều nhưng phần nào cho thấy phản ứng của cơ quan chức năng trước những lỗi dịch thuật, lỗi nội dung, lỗi biên tập nhan nhản trong nhiều đầu sách hiện nay.
Năm 2015 cũng ghi nhận nỗ lực của các đơn vị, cá nhân trong lĩnh vực tác quyền. Sự kiện đáng mừng nhất là việc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chi trả nhuận bút cho các nhà văn, nhà thơ có tác phẩm dùng trong bộ sách giáo khoa. Cụ thể, tháng 8, nhuận bút cho 109 tác giả với 273 tác phẩm đã được chi trả. Đây là thành quả của sự đấu tranh, làm việc trong hai năm của Trung tâm Quyền tác giả Văn học Việt Nam.
Vân Hiền