Theo báo cáo tổng kết hoạt động sáu tháng đầu năm của Cục xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin Truyền thông), hiện chỉ có 24/63 nhà xuất bản (chiếm 38,1%) đủ điều kiện hoạt động. Có nhiều lý do khác nhau như dẫn tới tình trạng này, trong đó nhiều nhất vẫn là thiếu vốn.
36 đơn vị thiếu kinh phí để duy trì, năm đơn vị thiếu chức danh lãnh đạo và biên tập viên hữu cơ, ba đơn vị thiếu diện tích trụ sở. Có những nhà xuất bản thiếu cả hai tiêu chí hoạt động như: Nhà xuất bản Âm nhạc, Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin, Nhà xuất bản Đại học Huế... Trước đó, trong bản tổng kết năm 2014, chỉ có 13% số nhà xuất bản hoạt động ổn định và phát triển, 11% thua lỗ, số còn lại tồn tại cầm chừng, không ổn định.
Nhiều đơn vị yếu kém, suốt sáu tháng đầu năm 2015 chỉ thực hiện được trên dưới 10 đầu sách, như: Nhà xuất bản Đại học Công nghiệp TP HCM (ba cuốn), Nhà xuất bản Đại học Nông nghiệp (năm cuốn), Nhà xuất bản Sân khấu (tám cuốn), Nhà xuất bản Công thương (10 cuốn)...
Ông Thanh Hà - đại diện Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP HCM - cho biết đơn vị được thành lập và có nguồn thu chủ yếu từ các trường đại học. Tuy nhiên mỗi năm họ chỉ xuất bản được trên dưới 20 đầu sách, thu nhập này là không đáng kể khi phải trả lương cho gần 20 nhân viên. "Để tồn tại, nhà xuất bản buộc phải mở rộng liên kết với các đối tác", ông Thanh Hà nói. Cũng giống nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP HCM, nhiều đơn vị áp dụng hình thức liên kết (thường là công ty sách tư nhân), lấy công việc phụ làm nguồn thu chính.
Điều 8, Nghị định 195/2013/NĐ-CP quy định một nhà xuất bản được thành lập khi có các điều kiện: Trụ sở nhà xuất bản có diện tích từ 200m2; có ít nhất năm tỷ đồng để đảm bảo hoạt động; có đủ trang thiết bị để duy trì. Theo điều 14 luật Xuất bản quy định nhà xuất bản có thể bị đình chỉ hoạt động nếu: "sau khi thành lập và trong quá trình hoạt động, cơ quan chủ quản và nhà xuất bản không đáp ứng đủ các điều kiện quy định".
Ngày 31/8 là thời hạn cuối để các cơ quan chủ quản nhà xuất bản thực hiện thủ tục đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông cấp đổi giấy phép thành lập nhà xuất bản trực thuộc. Trước tình trạng nhiều đơn vị hoạt động yếu kém, Cục khuyến nghị cơ quan chủ quản nên gấp rút tăng cường chỉ đạo, điều hành, hỗ trợ nếu muốn duy trì những đơn vị này. Mặt khác, Cục khuyên các nhà xuất bản "phải chủ động đề xuất cơ quan chủ quản bổ sung các điều kiện còn thiếu để đảm bảo hoạt động".
Ông Chu Văn Hòa - Cục trưởng Cục Xuất Bản - cho biết hiện Cục tiếp nhận hồ sơ xin cấp, đổi giấy phép hoạt động. Sau ngày 31/8, Cục sẽ dựa vào đó để đưa ra kết quả. Vì thế trong thời gian này Cục không thể đưa ra phát ngôn hay bình luận gì về vấn đề giải thể của những nhà xuất bản không đủ điều kiện.
Lam Thu