Trong khoảng ba ngày qua, giới yêu thơ xôn xao về việc bài thơ Bạch lộ của Phan Huyền Thư và Buổi sáng của Phan Ngọc Thường Đoan bị phát hiện giống nhau về tứ thơ, câu từ, và cả cấu trúc tác phẩm. Sáng tác của Phan Ngọc Thường Đoan được in trong tập thơ Đếm cát phát hành năm 2003. Trong khi đó, tác phẩm của Huyền Thư được in lần đầu tiên trong tập Sẹo độc lập, phát hành năm 2014, và đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội.
Ngày 20/10, nhà thơ Phan Huyền Thư công khai xin lỗi nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan về việc "trùng lặp nội dung giữa hai bài thơ" nhưng vẫn giữ quan điểm cho rằng sáng tác của mình ra đời năm 1996. Đến ngày 22/10, nữ tác giả một lần nữa gửi lời xin lỗi đến Phan Ngọc Thường Đoan và thừa nhận bài Bạch lộ ra đời sau bài Buổi sáng, khép lại vụ việc ầm ĩ.
Không phải đến trường hợp của Phan Huyền Thư làng văn Việt mới xuất hiện những câu chuyện buồn như thế. Nhiều năm qua, tình trạng đạo tác phẩm thường trở đi trở lại trong đời sống văn học nước nhà.
Năm 2005, nhà văn Võ Thị Hảo bị một phen sững sờ khi truyện ngắn Máu của lá - tác phẩm được chị viết từ năm 1992, in trong tập Người sót lại của rừng cười (NXB Phụ Nữ 2005) - bị tác giả Phạm Minh Phong sử dụng gần như trọn vẹn (chỉ thay đổi tên các nhân vật) để đăng trên báo Văn Nghệ.
Năm 2012, truyện ngắn Buổi sáng biến mất - từng đoạt giải nhất cuộc thi do báo Văn Nghệ và Hội nhà văn Việt Nam tổ chức năm 2007 - bị một tác giả mới ở tỉnh Hòa Bình tên là Hữu Thịnh đăng lại trên báo Văn Nghệ. Người đạo truyện còn dụng công "xào nấu" tác phẩm của Ngô Phan Lưu bằng cách đổi tên người, địa điểm trong tác phẩm.
Nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan cũng cho biết đã nhiều lần các bài thơ của chị bị người khác "cầm nhầm". Thậm chí, một tác giả còn bê nguyên bài thơ Nghĩ về hoàng hôn mẹ của chị đăng trên một nhật báo lớn. Những người "mượn" thơ chị trước đây chủ yếu là học sinh - sinh viên hay tác giả không tên tuổi.
Phần lớn các vụ đạo tác phẩm đều xuất phát từ các cây bút vô danh, tên tuổi ít được biết đến. Trả lời cho câu hỏi: "Vì sao họ biết sai mà vẫn làm?", người trong giới viết lách đều cùng lý giải: việc đạo tác phẩm từ các cây bút thành danh là con đường nhanh nhất để giúp họ mau chóng được biết đến. Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn kết luận: "Người đạo văn nhận được rất ít lợi ích vật chất. Vì vậy, chủ yếu là vì cái danh hư ảo khiến người ta đôi lúc xao lòng khó kiềm chế hành vi khuất tất".
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ bày tỏ ông không thể lý giải nổi vì sao một cô gái tài năng như Phan Huyền Thư, một người vốn gặp nhiều cơ may trên con đường văn, từng gần gũi rất nhiều trưởng lão của làng viết lại có đến vài lần "cầm nhầm" tác phẩm của người khác. Tác giả tiểu thuyết Quyên chua chát nhận định: "Phải chăng nước ở ta nhiều thứ giả quá mà không bị tẩy chay nên ngay cả những giá trị thuộc về tinh thần, thuộc về sự cao đẹp của tâm hồn cũng bị làm giả...", ông nói.
Phan Ngọc Thường Đoan đúc rút lý do đơn giản nhất tạo động cơ cho một người đi đạo văn, thơ là vì họ quá thích tác phẩm của người khác nhưng lại không có khả năng sáng tác như vậy nên đành "mượn đỡ". Còn Võ Thị Hảo rạch ròi lên tiếng: "Nếu anh không viết được văn thì anh có thể về nhà đi cày bừa, làm thuê cuốc mướn, hoặc anh có thể làm nghề nghiệp sang trọng nào khác. Chứ lôi văn chương ra để đạo, để tiến thân bằng con đường văn chương quả thật là nguy hiểm... Khi anh đạo văn trắng trợn để đi vào nghề viết, đó là sự thiệt hại lớn cho bạn đọc. Tôi nghĩ rằng, nhất thiết, mỗi người viết đều cần có trách nhiệm công dân trước tiên".
Tại các quốc gia phát triển như Anh, Mỹ... bản quyền tác phẩm văn học, nghệ thuật nói riêng, quyền sở hữu trí tuệ nói chung được luật pháp bảo vệ chặt chẽ. Các vụ việc về bản quyền sáng tác có thể được giải quyết triệt để, trắng - đen rõ ràng tại tòa án. Trong khi đó, ở Việt Nam, nhìn chung, người bị kết luận đạo văn thường có động thái lên tiếng xin lỗi là chính. Ở nhiều trường hợp, lời xin lỗi còn thiếu chân thành, mang tính bao biện cho sự việc vốn đã ở thế "chuyện lỡ rồi". Điều này khiến nạn nhân của các vụ bị xâm phạm tác quyền chỉ biết ngậm ngùi sau những phản ứng yếu ớt ở góc độ cá nhân.
Tác giả Ngô Phan Lưu từng chia sẻ với VnExpress cảm giác chán ngán khi biết truyện ngắn của mình bị "cầm nhầm": "Tôi thấy một chút buồn. Nhưng cảm giác buồn cũng mau chóng qua đi. Tôi tự an ủi mình có người còn đạo cả cuốn sách huống hồ gì chỉ một truyện ngắn. Chỉ có cảm giác chán nản và ngán sợ là còn lại với tôi", ông nói.
"Khi một người sáng tác phải xin lỗi vì đạo văn, thì e rằng không thể nuôi dưỡng cảm hứng lành mạnh nữa rồi. Chế tài bằng luật pháp chưa hẳn mang lại bầu khí quyển văn chương ít vẩn đục hơn, nếu chính người đạo văn không còn tự trọng nữa", nhà thơ Lê Thiếu Nhơn kết luận.
Thoại Hà