Ông Ngô Anh Tuấn (Công ty Luật TNHH Tuệ Anh - Đoàn Luật sư TP Hà Nội) là người đại diện hợp pháp cho ông Ngô Xuân Phúc. Hôm 17/11, ông gửi đơn và có buổi làm việc sơ bộ với Hội Nhà văn Việt Nam.
Đơn viết: "Tôi đề nghị Hội Nhà văn Việt Nam sắp xếp một buổi làm việc để ông Ngô Xuân Phúc, bà Nguyễn Phan Quế Mai và những người làm chứng trình bày quan điểm, chứng cứ rõ ràng nhằm khẳng định ai là tác giả đích thực bài thơ Tổ quốc gọi tên".
Luật sư tự nguyện bảo vệ quyền lợi cho ông Ngô Xuân Phúc cho biết Ban thanh tra của Hội Nhà văn đã gửi thư cho Nguyễn Phan Quế Mai. "Chị Quế Mai đã có thư trả lời, nhưng chị không về Việt Nam làm việc với lý do bận công việc và gia đình ở nước ngoài" - luật sư nói.
Theo ông Ngô Anh Tuấn, phía ông muốn giải quyết trên tinh thần đối thoại. "Sở dĩ chúng tôi muốn Hội Nhà văn thu xếp một buổi làm việc trực tiếp, bởi thơ văn có dấu ấn cá nhân rất rõ, nên việc đối chất có thể giúp xác định tác giả bài thơ".
"Chị Mai chưa đăng ký bảo hộ bài thơ tại Cục Bản quyền, vì thế, chúng tôi sẽ đi đăng ký. Động tác này là để buộc chị Mai phải về đối thoại với chúng tôi" - Ngô Anh Tuấn nói.
Trong trường hợp Nguyễn Phan Quế Mai không đối thoại trực tiếp, phía ông Ngô Xuân Phúc sẽ nhờ tòa phân xử. Trong đơn gửi Hội nhà văn, luật sư Ngô Anh Tuấn viết rõ: "Vụ việc chỉ nên giải quyết tại tòa khi mà những giải quyết trên cơ sở đối chất, thương lượng, hòa giải không thành công".
Nói về căn cứ, tới nay ông Ngô Xuân Phúc vẫn chưa đưa ra được những bằng chứng xác đáng. Trước đó nhà thơ Bàng Ái Thơ nói bà đã đọc bài Tổ quốc gọi tên trước thời điểm Nguyễn Phan Quế Mai sáng tác. Một viên chức tại Đại học Văn hóa cũng khẳng định ông đã đọc bài thơ với nhiều sinh viên trước thời điểm Nguyễn Phan Quế Mai sáng tác.
Gần đây, ông Ngô Xuân Phúc nhớ ra là đã tặng vợ chồng phó giáo sư, nhà nghiên cứu văn hóa Phan Ngọc một bản bài thơ Tổ quốc gọi tên. Hiện phó giáo sư ốm nặng, nhưng vợ ông vẫn còn nhớ sự việc. Bà hứa tìm lại bản thảo trong tư liệu của gia đình.
Luật sư Ngô Anh Tuấn phân tích: "Bây giờ chúng tôi chưa tìm được bằng chứng cụ thể, mà chỉ có những nhân chứng. Nhưng chúng tôi không ngụy tạo chứng cứ. Chúng tôi chỉ dựa vào niềm tin".
Bài thơ Tổ quốc gọi tên xuất hiện lần đầu trên báo chí năm 2011 với tên tác giả Nguyễn Phan Quế Mai. Bài thơ được Đinh Trung Cẩn phổ nhạc, trở thành bài hát nổi tiếng. Tác phẩm sau đó được đưa vào tập thơ Tổ quốc gọi tên mình của Nguyễn Phan Quế Mai (Nhà xuất bản Phụ Nữ phát hành tháng 7/2015).
Tháng 10/2015, ông Ngô Xuân Phúc (Nghệ An) lên tiếng ông chính là tác giả của bài thơ. Tuy không có bằng chứng, một số người khẳng định đã đọc bài thơ của ông Phúc trước thời điểm Nguyễn Phan Quế Mai công bố tác phẩm. Nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai ban đầu phản ứng gay gắt, tuyên bố rằng nếu ông Ngô Xuân Phúc không xin lỗi trước ngày 10/10 thì sẽ đưa sự việc tới tòa. Sau đó, chị gửi thư cho báo chí, khẳng định bài thơ của mình và không kiện tụng.
Lam Thu