Lần thứ hai trong hai năm, người Mỹ lại phải trải qua cái gọi là "tuần bầu cử". Lần trước là bầu cử tổng thống nên có phải đợi cả tuần cũng còn đỡ. Lần này chỉ là bầu cử giữa kỳ, với các ghế nghị sĩ và thống đốc cùng các chức vụ địa phương, nhưng mọi thứ vẫn chậm chạp và căng thẳng. Thậm chí 48 giờ đã trôi qua từ lúc phòng phiếu đóng cửa ở miền Tây mà kết quả ở thượng viện chả khác chi kết quả bầu cử lúc nửa đêm thứ ba.
Tuy vậy một điều đã rõ, đó là phe Cộng hòa không thắng to như mọi người dự đoán. Tình hình kinh tế ở Mỹ khiến ai cũng nghĩ rằng, phe Dân chủ thế nào cũng thua to. Trước bầu cử, phe Cộng hòa thì hí hửng còn phe Dân chủ buồn rầu, thậm chí các nhà báo còn đưa ra dự đoán là phe Dân chủ sẽ mất cỡ 30 ghế ở Hạ viện.
Phe Dân chủ lo âu tới mức ông Biden phải đích thân tới vận động ở... gần nhà tôi, nhằm ủng hộ cho Hạ nghị sĩ đảng Dân chủ đang nắm cái ghế bị coi là đang gặp nguy.
Người buồn bã nhất trong cuộc bầu cử này là ông Donald Trump. Việc các ứng cử viên được ông ủng hộ thua cuộc khiến ông trở nên kín tiếng. Khả năng có một buổi tuyên bố tranh cử hoành tráng trở nên xa vời.
Có lẽ bất ngờ nhất là việc đảng Cộng hòa dường như đang đi tìm "chủ mới". Ông Trump không còn là cảm hứng của đảng Cộng hòa, thay vào đó ông trở thành mục tiêu đổ lỗi cho thất bại.
Giờ thì nước Mỹ vẫn đang chờ đợi kết quả cuối cùng ở cả hai viện nhưng hai phe đều đang gãi đầu suy nghĩ xem vì sao kết quả như thế này. Trước giờ đảng cầm quyền thường mất phiếu ở kỳ bầu cử giữa kỳ, và nền kinh tế luôn là yếu tố quyết định.
Vì lý do nào đó phe Dân chủ có vẻ như đã lôi đâu đó ra được rất nhiều cử tri, những người mà người ta thường cho là sẽ không tới phòng phiếu làm gì.
Mọi con mắt bây giờ đổ dồn về vấn đề quyền phá thai. Vào 50 năm trước, tòa tối cao Mỹ tuyên bố rằng quyền phá thai được bảo vệ bởi hiến pháp. Năm nay tòa tối cao của Mỹ lại bãi bỏ phán quyết đó, cho phép các tiểu bang tự đưa ra luật. Các tiểu bang, dù là có đưa quyền phá thai vào cuộc cầu cử này hay không, đều phải lắng nghe phe Dân chủ ra rả rằng phe Cộng hòa sẽ hủy bỏ quyền phá thai, và vì vậy người dân nên bầu cho phe Dân chủ.
Phương án đó vậy mà rất có tác dụng. Cho dù chỉ có 14% cử tri tới phòng phiếu quan tâm tới vấn đề này thì mọi sự nằm ở chỗ, những người "nhẽ ra không tới" mà lại tới nghĩ gì. Nói cách khác, nếu 14% số cử tri đó lẽ ra nằm nhà nhưng họ lại tới chỉ vì quyền phá thai thì chắc chắn là họ sẽ bầu cho phe Dân chủ. Cũng chỉ cần bao nhiêu đó thôi lã quá đủ để thay đổi kết quả một cuộc bầu cử.
Tuy vậy hiện giờ khả năng lớn là phe Cộng hòa vẫn sẽ nắm thế đa số ở Hạ viện, dù là chắc chỉ hơn phe Dân chủ vài ghế. Tình thế đó có nghĩa là hai năm tới ông Biden sẽ không làm được gì nhiều nhưng chắc cũng không tới nỗi bị điều tra luận tội đủ kiểu như ông Trump.
Ở thượng viện cũng vậy, trừ khi phe Cộng hòa có được 51 ghế ra thì còn lại mọi ý đồ làm khó ông Biden đều sẽ tan trong trứng nước.
Nước Mỹ hiện giờ đang ở trong tình thế không có tiền lệ. Kinh tế Mỹ cũng đang ốm yếu như cả thế giới. Các vấn đề về quyền phá thai vốn không có chỗ trong bầu cử Mỹ đã 50 năm nay, nên sự xuất hiện của nó khiến các mô hình dự đoán thông thường phá sản. Cuộc chiến ở Ukraine cũng là một ẩn số với bầu cử Mỹ, bởi phe Dân chủ có một chỗ để đổ lỗi cho giá xăng tăng cao.
Mọi thứ đã đổi thay, theo những cách mà không ai nghĩ tới.
Khanh Huỳnh
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.