Luật sư Khanh Huỳnh, hiện làm việc tại Mỹ, chia sẻ với độc giả VnExpress bài viết về bầu cử tổng thống Mỹ 2020:
Ngày 23/9 là ngày Đăng ký cử tri bầu cử ở Mỹ. Từ Google cho tới các trang tin, mạng xã hội và TV đều kêu gọi người dân Mỹ đi đăng ký bầu cử.
Chuyện bầu cử Mỹ vốn đã khá nóng từ hồi cuối tháng trước, khi hai Đảng tổ chức đại hội toàn quốc để đề cử ứng cử viên tổng thống. Tuy vậy quanh tôi mọi thứ vẫn khá im ắng. Người California thường cũng ồn ào trong bầu cử nhưng năm nay khá buồn tẻ. Những bảng hiệu ủng hộ ứng cử viên gần như không có, tới mấy miếng dán trên xe hơi với những dòng chữ như "Biden Harris 2020" cũng không thấy luôn.
Trong khi khắp nơi kêu gọi bầu cử thì ở California không thấy hai ứng cử viên ngó ngàng. Không ai hy vọng họ tới California nhưng ngay cả các quảng cáo trên truyền hình cũng không có, chỉ có các quảng cáo trên Facebook và YouTube cùng vài mạng xã hội khác. California là thành trì của Đảng Dân Chủ, ai cũng biết bang này kết cục như thế nào nên chả bên nào muốn bỏ tiền vận động tranh cử.
Dấu hiệu duy nhất của một cuộc bầu cử đang tới gần là một gian hàng lấn chiếm lòng lề đường ở một khu thương mại gần nơi tôi ở. Đó là một cái lều nhỏ với cái bàn, có bán các thứ mũ áo cờ biển của chiến dịch phe Trump. Tôi lái xe ngang qua mấy lần nhưng chưa thấy ai mua bán gì, chỉ có một người đàn ông da trắng ngồi ngáp dài.
Thật ra thì tôi cũng hay mua vài thứ như này để trưng bày cho vui mùa bầu cử. Năm thì decal dán xe, lúc thì mua mấy tấm biển để đi cắm ngoài đường. Có năm tôi đi cắm biển tranh cử bên lề đường, người người lái xe ngang qua kẻ reo hò vỗ tay, người la ó chê bai tùy theo quan điểm của họ. Năm nay thì không, tôi sợ Covid-19 và người khác chắc cũng vậy.
Nội dung tranh cử của hai ứng cử viên đại khái được tóm tắt như sau: ông Biden nói là "Tình hình đất nước thật tồi tệ, toàn là do ông Trump cả", còn ông Trump nói là "Tình hình đất nước thật tồi tệ, toàn là do phe Dân chủ với ông Biden". Ít ra thì hai ông cũng đồng ý được rằng hiện nay nước Mỹ đang trải qua những ngày không được tươi đẹp lắm.
Hồi năm 2012, ông Mitt Romney là ứng cử viên phe Cộng Hòa đã bắt đầu cuộc vận động tranh cử ngay tại thành phố nơi tôi sống. Ông tổ chức một sự kiện quy mô nhỏ tại một công ty sản xuất dụng cụ y khoa và lúc đó tôi tình cờ là sinh viên thực tập tại công ty này nên cũng đi coi. Ông Romney phát biểu vận động ở trên sân khấu, các nhân viên chiến dịch tranh cử cầm biểu ngữ đứng phía sau, cứ hễ ông dừng là lại reo hò ầm ĩ. Đám đông là nhân viên của công ty đi coi náo nhiệt, chỉ im lặng gật gù và vỗ tay chiếu lệ.
Bây giờ thì cảnh vui vẻ đó cũng không còn. Những người ủng hộ ông Trump còn dám làm ngơ trước dịch bệnh. Nhưng phe Dân chủ ít ai dám coi thường. Vì vậy ông Trump còn có vài người đi coi, ông Biden thì phải chủ động yêu cầu không ai tới và bắt buộc mọi người tham dự phải giãn cách xã hội.
Ngay cả nội dung "hấp dẫn" nhất của các cuộc bầu cử là bê bối cá nhân cũng không thấy nhiều. Bê bối của ông Trump kỳ trước đã khai thác xong. Bê bối của ông Biden hồi làm phó tổng thống cũng khai thác rồi. Hơn nữa dạo này người Mỹ đang phải quan tâm tới việc cơm áo gạo tiền, mấy chuyện đời tư xôm tụ của người nổi tiếng cũng bỏ qua một bên, thật là buồn bã.
Mấy ngày gần đây miền Tây nước Mỹ bị cháy rừng bao trùm, miền Đông Nam thì bị bão táp quét qua. Một phần lớn thời gian trên bản tin quốc gia phải dành cho mấy sự kiện này. Những cuộc biểu tình vẫn âm ỉ và cái chết của Thẩm Phán tòa Tối Cao Ruth Bader Ginsburg khiến nước Mỹ phải để quốc tang. Nhiều người buồn tới nỗi phải kiêng bớt không xem tin tức trên tivi, các luật sư đồng nghiệp của tôi còn bận viết điếu văn cho bà Ginsburg.
Cuộc bầu cử Mỹ năm nay rất quan trọng. Nhiều người nhận định rằng nó có khả năng định đoạt số phận nước Mỹ từ lúc này trở đi. Thậm chí nó còn có thể định đoạt cán cân quyền lực quốc tế bởi ông Trump sẽ duy trì quan điểm rút khỏi các hiệp định khắp nơi và không muốn liên quan gì tới các nước khác nữa. Viễn cảnh Mỹ không chịu tham gia các sự kiện trên thế giới thật khó tưởng tượng nhưng nó đã bắt đầu diễn ra rồi.
Như trước mắt người ta có thể nhìn vào hoạt động của WHO. Khi có vaccine, WHO sẽ không thể tham gia vào hoạt động điều phối vaccine do Mỹ đã rút đi. Khi đó các nước nhỏ gần như sẽ phụ thuộc vào tâm trạng của nước tìm ra vaccine, mà rất có thể là tâm trạng của lãnh đạo Mỹ.
Đó là nhìn ra ngoài nước Mỹ. Ở trong nước Mỹ, những người ở California ít khi lên tiếng trong cuộc bầu cử này. Các bang chiến trường đang ầm ĩ náo loạn, cử tri nơi đó đang nắm vận mệnh nước Mỹ trong tay, thậm chí là phần nào vận mệnh của cả thế giới. Vì vậy, họ cần phải đi bầu.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.
Khanh Huỳnh