Mấy hôm nay, nước Mỹ om sòm về việc quyền phá thai bị toàn tối cao của Mỹ bãi bỏ.
Năm 1973, vụ kiện Roe v. Wade do một người phụ nữ bị hãm hiếp và mang thai kiện tiểu bang Texas cấm cô ấy phá thai đã mang tới quyết định đưa quyền phá thai thành một quyền được hiến pháp công nhận.
Thật ra quyền này được chia làm ba phần trong thai kỳ. Ở ba tháng đầu, quyền phá thai là tuyệt đối. Ba tháng sau đó, việc phá thai phải cân nhắc xem nó có ảnh hưởng tới sức khỏe của người mẹ hay không. Ba tháng cuối không được phá thai, trừ khi là để cứu mạng của người mẹ.
>> 'Lối mòn' lấy chồng thì phải sinh con
Khi tòa tối cao bãi bỏ quyền này, thật ra là họ chỉ cho phép các cơ quan lập pháp mỗi tiểu bang tự đưa ra luật. Có tiểu bang sẽ cấm toàn bộ, có tiểu bang sau 15 tuần thai mới cấm, có tiểu bang sau 6 tuần thai sẽ cấm, có tiểu bang sẽ cho phép với các điều khoản khác nhau về cho phép phá thai khi bị cữơng hiếp, quan hệ loạn luân, hay là ảnh hưởng sức khỏe người mẹ hay thai nhi dị tật.
Việc phá thai hay không gây tranh cãi liên miên ở khắp nơi trên thế giới. Rất nhiều người hay nói rằng, nên cho phép phá thai trong trường hợp bị cưỡng hiếp, con dị tật hay nguy hiểm tính mạng của người mẹ. Trên thực tế thì mọi chuyện không đơn giản như vậy.
Một lưu ý ít ai chịu nghĩ tới là trước giờ ở Mỹ, chỉ có thời gian mà phá thai bị cấm, tức là trước năm 1973, và cho phép phá thai dưới khung thời gian do phán quyến vụ Roe v. Wade đưa ra. Chưa có tiểu bang nào thử nghiệm một đạo luật cấm phá thai với điều khoản trừ trường hợp hãm hiếp, thai nhi dị tật hay nguy hiểm tính mạng cả.
Trong trường hợp hãm hiếp chẳng hạn, nói nghe rất dễ nhưng làm sao để biết là có một vụ hãm hiếp hay không? Người phụ nữ tới bệnh viện và nói rằng cô ta bị hãm hiếp là được phá thai ngay ư? Tất nhiên là không được.
Vậy thì phải có tòa án phán quyết ư? Thủ tục tố tụng mất hàng năm trời, lúc đó đứa trẻ đã ra đời rồi. Hay là người phụ nữ tới báo cảnh sát là mình bị hãm hiếp? Lúc đó cảnh sát phải khám nghiệm và đưa ra kết luận ngay là người này bị hãm hiếp ư? Một vụ việc hình sự nghiêm trọng như vậy, cảnh sát làm sao điều tra cho kịp để phá thai?
Đó là chưa kể tới chuyện có người bị hãm hiếp bởi chồng hay bạn trai, giờ bảo cô ta đi báo cáo là mình bị hãm hiếp để được phá thai, nhân đó đẩy luôn ông chồng hay bạn trai vào nhà tù, mới là mệt. Hay là ngược lại, người phụ nữ có thai nhưng giận ông chồng cái gì đó, muốn phá thai nên hoang báo là chồng mình hãm hiếp, thì như thế nào?
>> Đi đẻ mới phát hiện thai giả - nỗi đau hiếm muộn
Loạn luân cũng vậy, rất rắc rối. Giả sử người phụ nữ nói rằng bào thai trong bụng là do loạn luân thì phải biết tác giả là ai, sau đó phải đi thử DNA, lấy DNA trong bụng mẹ ra thử mới biết. Cho dù người phụ nữ có chỉ tận tay thì đâu phải là bắt được ngay người cha, mà bắt được thì thủ tục lấy DNA, thử nghiệm, ra tòa phán xét mất bao lâu? Lúc đó cái thai lại lớn tướng, chả phá được nữa rồi.
Việc "chỉ được phá thai khi ảnh hưởng sức khỏe hay mạng sống của người mẹ" cũng rất phức tạp. Bác sĩ tất nhiên phải ra quyết định là người mẹ có bị ảnh hưởng tới sức khỏe hay mạng sống hay không. Nếu quyết định là đúng thì không sao, còn như quyết định sai thì bị tội hình sự. Kiểu đó bác sĩ nào dám quyết định, trừ khi thai nhi đã chết ngắc, không còn nhịp tim? Lúc đó thì cũng chả cần phá thai nữa, thai chết rồi còn gì?
Ngay tới chuyện "đứa trẻ bị dị tật" cũng vậy. Kết cục thì dị tật nào được xem là đủ nghiêm trọng để phá thai? Nếu bác sĩ chẩn đoán sai, nạo phá ra rồi mới thấy hóa ra bào thai không việc gì, thì bác sĩ vào tù à? Ai dám chắc là mình luôn luôn đúng 100%? Chỉ cần chẩn đoán sai một lần là vào tù, ai dám chẩn đoán với chỉ định nữa?
Những rắc rối này chỉ có các chuyên gia pháp luật mới nghĩ tới, bởi họ là người viết ra luật và thi hành luật. Biết rõ những điều này nên các đạo luật không cho phép phá thai không có những điều khoản "trừ khi" này. Còn như có thì họ biết là cũng chả có tác dụng gì, để đó cho nó vui, kết cục chả có người phụ nữ nào chứng minh được là mình bị hãm hiếp trong vòng vài tháng, mà cũng chả có bác sĩ nào dám chỉ định phá thai khi nhận định sai một lần là vào tù. Kết cục, cấm phá thai hay không chỉ là chuyện có hay không, và dựa vào tuổi thai kỳ mà áp dụng, chứ mấy cái điều khoản "trừ khi" đó hoàn toàn vô ích.
>> 'Nam giới không vô can trong những vụ bỏ rơi trẻ sơ sinh'
Vì sao khá nhiều người lại oang oang đòi cấm phá thai? Một mục sư người Mỹ nói rằng "Bênh vực thai nhi rất dễ dàng. Chúng chẳng nói được gì, chẳng có ý kiến gì, mà người lên tiếng bênh vực chúng cũng chả phải làm gì mà còn được tiếng thơm. Bảo vệ thai nhi xong rồi thì chuyện mang thai, bước vào cửa sinh tử là của người khác, chuyện nuôi nấng đứa trẻ là của người khác. Thôi thì cứ làm cho mình bớt được tội lỗi".
Hỡi ôi, nước Mỹ ai ai cũng được giáo dục giới tính từ tuổi dậy thì. Có nhiều biện pháp tránh thai và người ta thường xuyên sử dụng nhưng vẫn vỡ kế hoạch, vì vậy cho nên mới có các vụ phá thai không liên quan tới các hoàn cảnh ngặt nghèo. Các bác đàn ông thì huênh hoang rằng "do các chị chịu quan hệ nên mới có thai, chúng tôi có làm gì sai đâu".
Hồi 50 năm trước quả là đàn ông ở Mỹ có thể trốn tránh việc cấp dưỡng cho con, chủ yếu là do kỹ thuật DNA chưa phát triển. Bây giờ thì điều đó đã thay đổi nhưng các ông ấy vẫn còn lơ mơ.
Vài năm nữa sẽ có mấy ông nhận ra rằng vợ chồng mình vỡ kế hoạch hay cô bạn gái đột nhiên mang thai mà mình không trốn được khoản trợ cấp thì mới cảm thấy mệt. Kể cũng tội cho các ông ấy, nhưng trước hết thì phụ nữ hãy thôi, không quan hệ với chồng mình nữa nhé, trừ khi là hai người đang quyết tâm có con. Chứ đã có đủ số con mong muốn rồi thì dù vợ chồng mới có 30 cũng phải dẹp, chớ có quan hệ, vỡ kế hoạch thì các ông ấy cũng phải nuôi, phải chu cấp, tội các ông ấy lắm.
Khanh Huỳnh
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.