Luật sư Khanh, hiện làm việc tại Mỹ, chia sẻ với độc giả VnExpress bài viết về bầu cử tổng thống Mỹ 2020 trong mùa dịch Covid-19:
Đại hội đảng Dân chủ đã kết thúc, đại hội đảng Cộng hòa vừa bắt đầu. Theo thông lệ thì khi đảng nào đại hội thì đảng kia phải im lặng, không được lên tiếng. Ông Trump đã vứt bỏ nguyên tắc đó từ lâu, nên kỳ đại hội này của đảng Dân chủ diễn ra giống như đang có người bình luận bên ngoài vậy.
Cả hai đảng đều phải tổ chức hội nghị từ xa, không có khán giả trong hội trường. Phe Dân chủ chỉ có các ứng viên phát biểu với chừng chục phóng viên đeo khẩu trang đứng rải rác lo việc quay phim. Phe Cộng hòa "rôm rả" hơn chút khi cho nhiều người vào hơn và không đeo khẩu trang. Tuy vậy ai cũng biết rõ rằng đại hội lần này rất khác.
Cái khác nhất là thông điệp đầy buồn bã của cả hai phe. Ông Biden đưa ra thông điệp là ông Trump kém cỏi, không biết cách lãnh đạo làm đất nước hỗn loại, kinh tế sụp đổ, thất nghiệp tăng cao, dịch bệnh lây lan và người chết nhiều. Ông Trump thì hăm dọa là đất nước sẽ rơi vào cảnh hỗn loạn vô chính phủ, kinh tế sẽ bị Trung Quốc vượt mặt nếu ông Biden lên làm tổng thống.
>> Bài viết cùng tác giả: 'Bầu cử Mỹ 2020 chán ngắt'
Cả hai đều không đưa ra được bất kỳ giải pháp nào có lý. Riêng về Covid-19, ông Biden chỉ hứa là sẽ bắt mọi người đeo khẩu trang, còn ông Trump thì coi như làm lơ không đưa ra hứa hẹn gì về việc dập dịch cả. Thực ra thì chuyện đã tới nỗi này rồi, nước Mỹ coi như bị Covid dẫn trước chừng năm bàn rồi. Giờ chỉ còn mỗi cách chờ hết giờ thôi chứ thay đổi chiến thuật hay huấn luyện viên giữa trận cũng khó lòng lật người thế cờ được.
Kinh tế thì ông Biden hứa là sẽ tạo việc làm bằng cách đầu tư phát triển công nghệ tại Mỹ và đưa các ngành sản xuất kỹ thuật cao về Mỹ, đồng thời trách cứ ông Trump là tại sao gặp dịch bệnh mới vỡ lẽ ra rằng Mỹ vẫn phải mua thiết bị y tế từ Trung Quốc. Ông Trump thì hứa hẹn tạo ra 10 triệu việc làm mới bằng cách đánh thuế các công ty nếu họ không chịu đưa nhà máy trở về Mỹ. Còn làm sao để tăng thuế cho những hoạt động kinh doanh không diễn ra ở nước Mỹ thì chưa thấy ai nói rõ.
Toàn bộ câu chuyện bầu cử của Mỹ năm nay chỉ diễn ra như vậy. Những cuộc vận động tranh cử không thể được tổ chức nên hai đảng đều chỉ chăm chăm vận động trên mạng. Những sự kiện sẽ diễn ra thế nào thì cũng chưa rõ, bởi không thể lên mạng mà hô hào khẩu hiệu như thường ngày được. Ông Biden tổ chức livestream trên mạng và tham gia phỏng vấn trên truyền hình. Ông Trump thì vừa dùng mấy cuộc họp báo tại Nhà Trắng vừa dùng Twitter để tranh cử.
Dịch bệnh đã làm cho những rạn nứt trong xã hội Mỹ trở nên rõ ràng và phân cực hơn bao giờ hết. Nạn thất nghiệp lên cao trong khi người chết vì dịch bệnh rất nhiều, nhiều nhất thế giới. Tuy vậy bạn sẽ thấy rất nhiều người Mỹ cho là không có gì xảy ra. Thậm chí chỉ cần lên mạng là sẽ thấy nhiều người Việt ở Mỹ khoe là chỗ họ ở không có việc gì cả, mọi thứ bình thường, thậm chí là họ nhiều việc quá làm không hết và họ cũng chả thấy ai bệnh hay chết.
Đó là hậu quả việc "chỉ thấy mình mà không thấy người". Dịch bệnh tấn công vào người nghèo và họ cũng là những người thất nghiệp nhiều nhất. Ở Mỹ những người nghèo sống gần nhau còn người giàu ở khu khác. Người nghèo giao lưu với người nghèo và người giàu thì chơi với người giàu. Cho nên những người Mỹ vẫn vui vẻ là những người chưa bị ảnh hưởng, và họ cho là người khác chỉ làm lớn chuyện. Ngược lại, những ai bị ảnh hửơng thì khó chịu khi có người giảm thiểu vấn đề mà họ đang phải đối mặt.
>> Trump sợ kinh tế Mỹ 'mắc dịch' trước người dân
Bầu cử Mỹ năm nay khiến những nhà quan sát trở nên thận trọng hơn bao giờ hết. Phần lớn các cố gắng của hai đảng phái ở Mỹ là làm sao cho người của phe mình chịu khó đi bầu chứ không phải là thuyết phục phe kia bầu cho mình. Năm nay dịch bệnh khiến cho "voter turnout" (tỷ lệ cử tri đủ điều kiện bỏ phiếu) trở nên rất khó đoán.
Cho nên cuộc vận động gây chú ý nhất hiện giờ liên quan tới Bưu chính Mỹ. Phe Dân chủ tố là giám đốc Bưu chính đã cho giảm giờ làm, phá bỏ nhiều thùng thư, làm cho việc phát thư trở nên trì trệ, thậm chí có lô hàng gà con mà Bưu chính nhận chuyển phát đã chết khi bị bỏ lại trong bưu điện mà không kịp gửi đi.
Phe Dân chủ cho rằng ông Trump đã chỉ định một người ủng hộ mình tới làm giám đốc nhằm đình trệ việc phát thư, qua đó đình trệ việc gởi phiếu bầu khiến cho lá phiếu không được đếm. Điều này khiến phe Dân chủ đứng ngồi không yên bởi vì người theo phe Dân chủ rất sợ dịch bệnh nên họ sẽ bỏ phiếu bằng thư.
Còn ông Trump cũng đứng ngồi không yên với viễn cảnh các cử tri Dân chủ chỉ mỗi việc ngồi ở nhà gửi thư đi là bầu cử xong, bởi như vậy đảng Cộng Hòa sẽ mất lợi thế ở "voter turnout". Khi cả hai đảng không thể tới những bang chiến trường để vận động với các cử tri thì mọi thứ trở nên rất khó đoán.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài về bầu cử Mỹ tại đây.
Khanh