Xung quanh việc "Hà Nội tổ chức làn đường ưu tiên cho xe buýt", nhiều độc giả VnExpress chia sẻ những giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của loại phương tiện công cộng này:
Không cần sáng tạo chi cho mệt đầu, tốn kém tiền của dân, hãy học châu Âu cách phân luồng xe buýt là chuẩn nhất. Tại châu Âu, vào khung giờ cao điểm (7-9h sáng hoặc 16-18h tối) thì một làn đường chỉ dành riêng cho xe buýt, các xe khác không được đi vào. Ngoài khung giờ đó thì cả bus lẫn xe thường đều được đi. BRT tốn kém không biết bao nhiêu tiền của, quá dở ngay từ khâu ý tưởng đến thực tế.
Nếu các xe đi vào làn xe buýt, camera sẽ ghi hình và phạt nguội rất nặng, vài lần là tước bằng lái thử hỏi có dám đi vào nữa hay không? Tôi là người Việt Nam, lái xe ở châu Âu vào khung giờ cấm đi vào làn xe buýt, lỡ không để ý đánh lái vào là phải tìm cách xin ra ngay, không phải vì ý thức tôi cao mà vì láo nháo phạt nguội trừ điểm bằng lái là sợ chết khiếp. Luật phải nghiêm minh và rõ ràng, còn ngồi đó mà mong ý thức dân tốt lên thì chẳng bao giờ có. Ý thức sẽ tốt nếu luật pháp nghiêm minh.
Không chỉ châu Âu, tôi thấy đa phần các nước đều làm như vậy. Dành làn đường bên trong cùng cho xe buýt vào các giờ cao điểm buổi sáng và buổi chiều tối. Còn các giờ khác thì tất cả các xe đều được sử dụng. Úc, New Zealand, Singapore, HongKong đều cũng áp dụng luật này.
Cần chi cái mới hay đầu tư tốn kém. Trả lại toàn bộ vỉa hè cho người đi bộ và xe thô sơ là cách cơ bản để hạn chế xe cơ giới. Thử hỏi vỉa hè bị người lấn chiếm thì ai mà muốn đi bộ ra trạm xe buýt? Tôi ra nước ngoài rất thích đi bộ, hoặc nếu xa tôi sẽ đạp xe đến trạm xe buýt rồi dắt cả xe lên. Sàn xe người ta bằng với sàn của bến chờ, rất an toàn cho người già, trẻ nhỏ, phụ nữ có thai, người khuyết tật đẩy xe lăn lên cũng dễ dàng. Xe đạp, bàn trượt,... đều đi trên vỉa hè có kẻ vạch hẳn hoi cùng với người đi bộ, ăn toàn và lành mạnh. Đường Việt Nam được như vậy thì tôi sẵn sàng đi xe buýt mỗi ngày dù có chậm có kẹt.
Tôi rất ghét cái cách họ vận hành BRT, họ làm được một tuyến nhưng 15-20 phút mới có một xe đi qua. Tuyên truyền loa đài là cấm không được đi vào làn BRT, nhưng thực ra đâu có làm chặt, vẫn để người dân đi vào bình thường, xong họ thỉnh thoảng bắt một vài người vào giờ thấp điểm, vào cuối tuần. Cứ kiểu làm ăn nửa vời, thì người dân muốn đi BRT cũng không được, nhường đường BRT thì cũng không đành lòng vì có ai phạt đâu. Vả lại, 1/3 làn đường lại để dành cho cái xe 15 phút mới đi một chuyến, trong khi đường thì tắc, chẳng ai đủ kiên nhẫn mà nhường đường cả. Rút cục có BRT thì đường tắc vẫn hoàn tắc.
Cốt lõi là cách quản lý thôi. Chứ làm ra 10 cái buýt nhanh đi chăng nữa mà xe nào muốn vào là vào thì cũng bằng không. Theo tôi lấy tiền làm mấy cái này đi mua thêm xe chuyên dụng cho cảnh sát giao thông. Ai lấn tuyến thì bắt hết, phạt thật nặng, thậm chí tịch thu phương tiện luôn. Còn cảnh sát giao thông để xảy ra tình trạng phạm luật ở khu của ai thì phạt thật nặng người ấy. Từ từ thì dân có ý thức và văn hóa giao thông và khi đó sẽ ít tình trạng kẹt xe, tai nạn,...
Mở làn cho xe buýt là một vấn đề nhưng mở đường cho người đi bộ đến xe buýt còn quan trọng hơn. Ví dụ: tôi đi xe buýt đến Võ Chí Công muốn sang đường chỉ có hai cách. Một là trèo qua hàng cây cao 1.5 m, hai là đi vòng đến ngã tữ Xuân La - Võ Chí Công rồi vòng lại mất 400 m, ra đến ngã tư thì gần như không có cơ hội sang đường vì xe di chuyển qua liên tục. Đi bộ trên vỉa hè mà lại còn để ý tránh xe máy. Kết luận, hoàn cảnh bắt buộc người ta mới đi xe buýt, chẳng muốn đi nó vào thời điểm hiện tại.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.