Trả lời:
Rạn da là một dạng sẹo, hình thành khi da bị co giãn nhanh, làm đứt gãy các cấu trúc nâng đỡ collagen và elastin. Các vết rạn có thể bắt đầu với nhiều màu khác nhau như đỏ, hồng, tím, nâu, sau đó mờ dần theo thời gian, để lại đường màu trắng mỏng hoặc mờ nhạt.
Ở tuổi dậy thì, rạn da là hiện tượng bình thường, xảy ra ở cả nam và nữ. Tình trạng này xuất hiện khi trẻ tăng cân và phát triển nhanh; béo phì; trẻ tập thể dục thể thao hoặc sử dụng thuốc chứa corticosteroid điều trị bệnh trong vài tuần. Vết rạn da ở nữ trong độ tuổi dậy thì tập trung chủ yếu ở ngực, đùi, hông và mông.
Hầu hết vết rạn không thể tự biến mất. Tuy nhiên, bạn có thể sử dụng thuốc thoa chứa các thành phần hyaluronic axit và tretinoin để bổ sung collagen, kích thích tăng sinh tế bào mới lấp đầy phần da bị kéo giãn, làm mờ vết rạn. Sử dụng mỗi ngày kết hợp massage nhẹ nhàng để tinh chất thẩm thấu vào da. Những sản phẩm bôi thoa tại chỗ thường không hiệu quả với các vết rạn lâu năm, cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
Bạn có thể sử dụng phương pháp thay da sinh học để tái tạo vùng da rạn, sóng RF, liệu pháp laser CO2 fractional, laser xung màu (PDL)... thúc đẩy tăng sinh collagen, elastin, phục hồi các tế bào bị tổn thương. Với những phương pháp kể trên, vùng da điều trị có thể đỏ, bong tróc nhẹ nhưng cải thiện trong vài giờ hoặc vài ngày. Để điều trị hiệu quả, bạn nên đến các cơ sở y tế uy tín, bác sĩ chuyên khoa da liễu - thẩm mỹ da để kiểm tra, tư vấn.
Những vết rạn da lớn, lâu năm, thời gian điều trị thường kéo dài, thực hiện nhiều lần và kết hợp nhiều phương pháp. Tùy cơ địa mỗi người, tuổi tác, thời gian xuất hiện vết rạn mà bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp điều trị phù hợp.
BS.CKI Nguyễn Thị Kim Dung
Khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả đặt câu hỏi bệnh da liễu tại đây để bác sĩ giải đáp |