"Ở Việt Nam, câu chuyện khủng hoảng shipper cũng không khác Trung Quốc là mấy. Thời gian trước, người ta cứ kháo nhau rằng làm shipper một ngày chạy 10 tiếng là có thể kiếm được 500.000 - 600.000 đồng, một tháng kiếm 15-18 triệu dễ dàng. Thế rồi một lượng lớn thanh niên, cử nhân đại học cũng rẽ ngang, đi làm shipper, xe ôm công nghệ.
Nhưng ngày nay, gió đã đảo chiều. Để đạt mức thu nhập đó, một tài xế xe công nghệ, shipper phải chạy liên tục ít nhất 12-16 tiếng mỗi ngày, trong bối cảnh cạnh tranh ngày một gay gắt. Nói chung, cuộc sống ngày càng khó khăn, nghề nào cũng phải đối mặt với cạnh tranh và đào thải".
Đó là chia sẻ của độc giả Hoangtammao liên hệ cuộc khủng hoảng nghề giao hàng (shipper) tại Trung Quốc với những gì đang diễn ra ở Việt Nam. Trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn sau đại dịch, người dân thắt chặt chi tiêu, hạn chế mua sắm, vô tình khiến người giao hàng chịu nhiều tổn thất. Shipper giờ đây thường phải làm việc nhiều giờ để duy trì thu nhập và bị chèn ép từ nhiều bên (các nền tảng giao hàng đang duy trì chi phí ở mức thấp, khách hàng yêu cầu thời gian giao hàng ngày càng rút ngắn).
Bạn đọc Kiên Cường bình luận: "Mấy năm trước, nhiều thanh niên bỏ học đại học, hay học xong mà không chịu đi làm chuyên môn. Họ lý luận rằng nghề gì cũng tốt, đòi ra đường kiếm mấy chục triệu đồng mỗi tháng nên đổ xô đi làm shipper, chạy xe ôm. Giờ có lẽ những người đó đang phải hối hận. Học đại học mà không xin được việc, lại đi cạnh tranh với lao động phổ thông thì tốt nhất đừng nên học cao làm gì. Theo tôi, lỗi đầu tiên chính là do bản thân họ học không nghiêm túc".
>> 'Tốn 16 năm ăn học chỉ để chạy xe ôm công nghệ'
Độc giả Lê Nguyễn kết lại: "Thật ra, tuổi trẻ học xong đại học mà không dám đi làm chuyên môn, lương khởi điểm 5-6 triệu đồng, lại đi chọn nghề xe ôm công nghệ hay shipper vì nghĩ rằng thu nhập cao hơn dân văn phòng, thì cũng đủ hiểu tầm nhìn của họ ngắn hạn. Chính những quyết định sai lầm như thế khiến họ tự làm mất đi cơ hội tiến thân của chính mình.
Tôi cứ ví dụ thế này: nếu các bạn là cha mẹ, có con cái đến tuổi lập gia đình. Một ngày, con bạn nói rằng yêu và muốn cưới một người làm chồng. Câu đầu tiên chắc chắn bạn sẽ hỏi là 'người đó làm nghề gì?'. Chỉ cần con bạn nói 'Anh ấy làm xe ôm công nghệ hay shipper', thì thử hỏi bạn có muốn gả con mình cho người đó không? Đó là câu trả lời chính xác nhất cho quyết định lựa chọn nghề nghiệp của mỗi người".
Nền kinh tế Trung Quốc đang vật lộn với hàng loạt khó khăn, từ cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài đến tình trạng thắt chặt chi tiêu. Điều này vô tình khiến người giao hàng chịu nhiều tổn thất.
Các ứng dụng giao hàng từng đưa ra mức lương cao để thu hút đủ lao động, mở rộng thị phần, chi nhiều tiền để loại bỏ các đối thủ cạnh tranh. Nhưng giờ đây khi đạt được sự thống trị, họ bắt đầu chuyển gánh nặng chi phí sang tài xế bằng cách cắt giảm lương thưởng. Một shipper họ Yang 35 tuổi nói nghề giao hàng không còn tốt như trước. Tuy nhiên anh vẫn tiếp tục làm bởi sự linh hoạt. "Nếu muốn kiếm nhiều tiền bạn buộc phải làm lâu hơn. Còn nếu muốn nghỉ ngơi thì chấp nhận thu nhập giảm", Yang nói.
Các shipper ở Việt Nam rút ra được bài học gì từ những chuyện trên?
Việt Thành tổng hợp
- Sinh viên mải mê làm shipper
- Tôi bỏ chạy sau hơn một năm làm shipper
- 'Cử nhân làm shipper là lãng phí chất xám của xã hội'
- Tôi không tuyển dụng sinh viên 'nghiện' làm shipper
- Sinh viên đánh rơi tương lai khi 'nghiện' làm shipper
- Những sinh viên mộng mơ làm shipper kiếm 15 triệu đồng