Trả lời:
Da khô là vấn đề thường gặp vào mùa đông do nhiệt độ và độ ẩm thấp, gió lạnh làm mất đi độ ẩm của da. Không chỉ mặt mà bất kỳ vùng da nào cũng có thể gặp phải tình trạng này như bàn tay, bàn chân. Triệu chứng phổ biến của da khô bao gồm da nhăn nheo, kém mịn màng, bong vảy, nứt nẻ, đỏ, ngứa, dễ bị kích ứng...
Da khô là điều không thể tránh khỏi vào mùa đông. Tuy nhiên, một số thay đổi trong sinh hoạt và thói quen chăm sóc da có thể giúp bạn cải thiện tình trạng này.
Dưỡng ẩm ngay sau khi tắm rửa: Rửa mặt, rửa tay hoặc tắm làm mất đi lớp dầu tự nhiên trên da. Bạn nên thay thế lớp khóa ẩm bị mất đi bằng cách thoa kem dưỡng ẩm ngay sau khi tắm, rửa mặt. Bạn cũng nên thoa kem dưỡng ẩm vào ban đêm trước khi đi ngủ để các dưỡng chất có đủ thời gian hấp thụ vào da.
Thoa kem chống nắng hàng ngày: Trong mùa đông, tia UV vẫn tồn tại và có thể tác động trực tiếp lên da, gây tổn thương hàng rào bảo vệ và tăng sắc tố da. Hãy bôi thêm một lớp kem chống nắng mỗi sáng sau khi thoa kem dưỡng ẩm, chọn loại có chỉ số SPF từ 30 trở lên.
Tẩy tế bào chết: Loại bỏ các tế bào chết giúp da mịn màng hơn. Nếu da bạn khô hoặc bong tróc nên chọn sản phẩm tẩy da chết hóa học dịu nhẹ. Loại tẩy tế bào chết vật lý nhiều khả năng phá vỡ hàng rào độ ẩm, gây tổn thương bề mặt da hơn.
Nếu da bị nứt hoặc kích ứng, tốt nhất bạn nên tránh tẩy da chết cho đến khi da lành lại.
Hạn chế tắm nước nóng: Thói quen tắm nước nóng khi trời lạnh có thể loại bỏ lớp dầu tự nhiên trên da nhanh hơn. Do đó, bạn chỉ nên tắm nước ấm vừa phải với xà phòng dịu nhẹ và thời gian không quá 10 phút.
Sau khi tắm, thay vì chà xát mạnh, hãy dùng khăn mềm thấm nhẹ lên da và thoa dưỡng ẩm trong vòng 5 phút sau đó.
Dùng máy tạo độ ẩm: Thiết bị này bổ sung độ ẩm vào không khí, đặc biệt hữu ích vào mùa đông. Không khí ẩm có thể hoạt động như chất giữ ẩm tự nhiên, từ đó ngăn ngừa và giảm khô da.
Lưu ý chế độ ăn uống: Một điều quan trọng khác để giữ cho làn da khỏe mạnh là uống đủ nước suốt cả ngày. Bạn cũng nên bổ sung thực phẩm chứa nhiều chất chống oxy hóa và axit béo omega-3. Hai dưỡng chất này hỗ trợ bảo vệ tế bào da khỏi tác hại của môi trường, giúp cơ thể tạo ra các tế bào mới khỏe mạnh.
Nếu các biện pháp trên không hiệu quả, da khô kéo dài hoặc nghiêm trọng hơn, bạn nên đến chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ da để bác sĩ khám, tư vấn phương pháp điều trị phù hợp.
Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Kim Dung
Chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ da
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh da liễu - chăm sóc da tại đây để bác sĩ giải đáp |