Thế nào là giỏi, thế nào là giàu? Học giỏi thì có nhiều kiến thức, có khả năng phân tích suy luận, có tầm nhìn xa được đánh giá bởi bằng cấp. Làm giỏi thì có nhiều kinh nghiệm, có kỹ năng tay nghề cao, có khả năng đối phó tình huống linh hoạt được đánh giá bởi thu nhập. Làm giỏi chắc chắn kiếm được nhiều tiền hơn học giỏi. Kiếm được nhiều tiền chưa chắc đã gọi là giàu.
Thế nào gọi là giàu ? Là số tiền mà bạn kiếm được trong nhiều năm tích tụ thành tài sản lớn đủ để bạn sống tốt phần đời còn lại. Đó là mức độ tối thiểu của giàu bởi vì giàu không có hạn mức tối đa. Nếu kết hợp cả học giỏi và làm giỏi thì sao? Thì cái giàu tối thiểu ở trên sẽ gia tăng lên với tốc độ chóng mặt trở thành siêu giàu.
>> 'Tuổi 30 còn quá trẻ để nói về sự nghiệp'
Làm thế nào để kết hợp? Chính là cái anh làm giỏi, kiếm được nhiều tiền hơn sẽ thuê anh học giỏi về làm việc cho mình để giải quyết những vấn đề khó khăn như tăng quy mô sản xuất kinh doanh, tối ưu chi phí sản xuất, cân đối tài chính, quản lý giám sát nhân lực, tăng năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh...
Anh làm giỏi trở thành ông chủ mặc dù anh ấy học không giỏi. Đây là tình trạng xuất hiện nhiều ở nước ta. Còn những nước tiên tiến thì ông chủ đầu tiên đã chết già và con của ông chủ trở thành ông chủ. Con của ông chủ không phải là người 2 bàn tay trắng làm nên sự nghiệp mà là người học giỏi. Anh ta làm không giỏi nhưng anh ta có số vốn khổng lồ do cha anh ta để lại. Để duy trì khối tài sản này hoặc tăng nó lên cần phát triển sản phẩm mới hơn, bền hơn, tiện dụng hơn, đa năng hơn. Anh ta bỏ tiền ra thuê người nghiên cứu phát triển sản phẩm.
Nếu nghiên cứu thành công, mức độ giàu có của anh ta sẽ tăng lên một cấp độ mới, nếu nghiên cứu thất bại anh ta trở thành người giàu ở mức tối thiểu. Đây là một sự phiêu lưu mạo hiểm. Nếu anh ta không mạo hiểm thì sẽ có người khác mạo hiểm. Nếu họ thành công trước anh ta thì sản phẩm của họ sẽ thay thế sản phẩm của anh ta trên thị trường và công ty phá sản. Do vậy, anh ta buộc phải mạo hiểm. Mười người mạo hiểm chỉ có một người thành công ở các mức độ khác nhau.
Bởi vậy, ở mấy nước giàu, công ty này phá sản, công ty khác lên thay thế. Những công ty được thành lập từ xa xưa đến nay vẫn tồn tại không phải là do may mắn.
Ví dụ, ông chủ đầu tiên kinh doanh điện thoại để bàn, thiết lập mạng lưới thông tin liên lạc. Con của ông chủ nghiên cứu thành công điện thoại di động "cục gạch", thiết lập mạng lưới thông tin viễn thông. Tích hợp máy tính vào "cục gạch" ra cái smartphone. Tốc độ xử lý của smartphone phụ thuộc vào băng thông mạng. 3G, 4G thay phiên nhau xuất hiện rồi bây giờ đến 5G. Cái xG ngày càng cao thì cái máy tính bên trong cái điện thoại càng chiếm tỷ trọng lớn.
Người dùng điện thoại sẽ không còn là người ít học nữa mà bắt buộc phải có trình độ học vấn ngày càng nâng cao lên thì mới sử dụng được hết tính năng của cái điện thoại ấy. Cả xã hội có học vấn cao thì sẽ tạo ra một tầm cao mới hơn nữa cho nền kinh tế chung.
>> 'Nhiều người cày cuốc 30 năm vẫn nghèo vì thích xài sang'
Ở các nước phát triển, thu nhập từ 3 nghìn USD một tháng trở xuống bị xem là nghèo. Đem cái nghèo của họ sang mình là trở thành khá giả. Vì sao mình không giàu như họ ? Vì mình không dám mạo hiểm.
Nghiên cứu khoa học rất tốn kém và xác suất thành công không lớn. Chỉ có những siêu công ty và nhà nước mới đủ khả năng tài chính để nghiên cứu. Các tổ chức kinh doanh nhỏ hơn lo sáng tạo những cái chưa có. Ví dụ như cái ống hút thân thiện với môi trường mà Việt Nam sáng tạo ra đang làm mưa làm gió trong ngành đồ uống ở châu Âu.
Tuy nhiên, những sáng tạo này có hàm lượng chất xám thấp, dễ bị copy nên cái chuyện làm mưa làm gió này sẽ chẳng được bao lâu. Bởi vì không dám mạo hiểm nên số vốn mà ta tích lũy được không có chỗ để đầu tư, đành phải chạy lòng vòng qua các thị trường chứng khoán và bất động sản với giá trị ngày càng lớn, vượt xa giá trị sử dụng tạo thành nền kinh tế bong bóng.
Hầu hết việc làm trong xã hội xoay quanh sự lan tỏa của các khoản đầu tư FDI. Thu nhập nhiều người tăng lên là nhờ nhà đầu tư nước ngoài. Nếu các nhà đầu tư nước ngoài chuyển đi do giá nhân công cao, do giá bất động sản cao, do chi phí logistics cao... thì có nhiều người sẽ nghèo lại như cũ (có khi còn không bằng bà bán xôi).
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.