Tôi đồng ý với bạn Lê Trung Bảo, tác giả bài viết 'Tuổi 30 không có nổi 300 triệu tiết kiệm là do tiêu hoang' . Nghèo không không là tội, không biết mình nghèo mới là tội.
Lúc còn học phổ thông, người ta học hành "sói trán" để thi đại học thì bạn làm gì? Không đậu đại học được, chuyên chú học kỹ năng ở trường nghề, ra đi làm lương cũng không thấp. Những năm 1990-2010 là thời kỳ bùng nổ xây dựng, Việt Nam thiếu hàng trăm nghìn thợ hàn, thợ nề, thợ nguội... có bằng cấp. Không ít công ty xây dựng phải tuyển dụng nông dân nông nhàn đào tạo nhanh để làm thợ. Thời điểm đó các bạn đang làm gì?
Lương của thợ bậc 3 bằng lương kỹ sư mới ra trường, bậc 5 bằng kỹ sư 10 năm kinh nghiệm, bậc 7 bằng kỹ sư ngạch chuyên viên 2. Tưởng lương thợ là thấp à ? Thợ không có đào tạo bài bản không có bằng cấp lương mới thấp nhé. Nói bây giờ lương 10 triệu, trước đây không cao như bây giờ, vậy giá tiền trước đây và bây giờ giống nhau sao? Năm triệu đồng năm 2010 có khi còn to hơn 10 triệu bây giờ.
>> Tôi vượt qua thất nghiệp tuổi 30
Năm 1992, tôi mới tốt nghiệp ra đi làm lương 600 nghìn đồng. Lương của mỗi thời kỳ với từng ngành nghề khác nhau là gần như không đổi. Ai cũng biết đồng tiền mất giá là do lạm phát. Biết như vậy mà không làm gì để giữ giá trị của đồng tiền tiết kiệm ít ỏi của mình không bị mất giá không phải là có tội với bản thân sao?
Khoản tiết kiệm ít ỏi ấy không mua được đất đai thì cũng mua được vàng chứ. Tiền tiết kiệm mỗi tháng dăm ba chỉ vàng không mua nổi, một hai phân vàng chẳng lẽ không mua được?
Tốt nghiệp đại học, trường nghề ra đi làm, cha mẹ của bạn mới 40, 50 tuổi, là thời kỳ đỉnh cao của kỹ năng nghề nghiệp, kinh nghiệm, quan hệ xã hội, cần bạn phải nuôi sao? Làm ơn nghĩ ra lý do gì đó thuyết phục hơn nhé. Đổ thừa loanh quanh làm gì, ai chẳng từng trải qua thời kỳ trẻ tuổi. Hãy soi lại bản thân mình, an phận, thiếu ý chí nỗ lực, ngại va chạm, đàn đúm chơi bời, tự do tình dục, chỉ biết hôm nay không quan tâm ngày mai, có nhiêu xài nhiêu tính toán chi ly làm chi cho mệt óc.
Tất cả những cái đó gom lại tạo thành bạn bây giờ: 30 tuổi không tiết kiệm được 300 triệu đồng. Thời trẻ tuổi cũng là thời kỳ xài tiền nhiều nhất. Người ta cũng cần phải chơi bời giải trí chứ, người ta có phải robot đâu. Ví như ăn nhậu. Mỗi tuần gặp nhau ăn nhậu một lần, phải có chủ đề tranh luận gì đó mới có không khí chứ, chẳng lẽ tự ăn tự uống không ai nói ai tiếng nào, no say thì ai về nhà nấy? Gặp nhau nhiều lần thì chủ đề tranh luận cũng sớm cạn kiệt.
>> 30 tuổi, tài sản 6 tỷ đồng nhưng tôi vẫn không yên tâm
Không có chủ đề tranh luận mà vẫn nhậu, tôi dám cá, bạn đã trở thành con nghiện bia rượu. Nhậu cho vui còn kiểm soát được tài chính chứ nhậu đến mức thành nghiện làm sao kiểm soát được tài chính?
Tóm lại, chẳng ai đòi bạn phải nhịn ăn nhịn mặc, nhịn vui chơi, giải trí để tiết kiệm từng đồng. Tự mình lập sổ thu chi kiểm soát tài chính thì vẫn sống bình thường, mỗi tháng tiết kiệm được một ít. Một ít ấy lo đi học thêm nâng cao chuyên môn, tay nghề. Chuyên môn được nâng cao rồi chẳng lẽ công việc lương thấp làm hoài?
Không phải ai cũng có thể làm quản lý nhưng không hiếm người có công việc làm thêm bên ngoài. Chuyên môn được nâng lên thì làm công việc khó khăn phức tạp hơn với tiền công cao hơn.
Ba mươi tuổi, bảy tám năm thâm niên chẳng lẽ vẫn không bằng người mới ra trường? Bảy tám năm lãng phí như vậy lỗi không phải do bạn thì do ai? Giá trị con người của mình do mình tự tạo ra chứ chẳng ai tạo ra thay mình được. Thất bại là mẹ thành công. Không chấp nhận thất bại nhất thời, đổ thừa linh tinh, bao giờ mới thành công?
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.
Lâm