Trước tình hình bão lũ tại các tình miền Trung diễn ra đều đặn hàng năm nhưng vẫn gây những hậu quả nghiêm trọng cho người dân, độc giả Thánh Tuệ chỉ ra vấn đề và những giải pháp cần sớm thực hiện:
"1. Miền Trung và Tây Bắc là hai nơi có địa hình cao, do đó tích được thế năng trong nước là nguồn sinh động năng để tạo ra thủy điện. Đây vừa là lợi thế vừa là điểm bất lợi. Khi thủy điện xả nước, thì nước này khác với nước tự nhiên ở chỗ chúng được gom lại và tạo ra động năng. Vật có khối lượng lớn di chuyển với động năng cao thì đương nhiêu sẽ sinh ra lực tàn phá. Do đó, hiện tượng sạt lở, xói mòn... rất nghiêm trọng khi nước đã được gia tốc.
2. Cách khai thác thủy điện hiện tại đang có nhược điểm về công nghệ khi chỉ một số ít động năng trong nước được sử dụng để quay tua bin và phần lớn động năng không khai thác đổ ra dòng nước xả. Do đó, cần phải nâng cấp hệ thống sản xuất thủy điện. Tôi đề xuất là làm một đập thủy điện chính để tích nước, tiếp theo là hệ thống đập thủy điện liên hoàn ở phía dưới. Những đập con ở phía dưới chỉ tích nước đủ tạo ra động năng quay tua bin mà thôi (lấy nước từ đập chính xả ra).
Như vậy, các đập sẽ có hiệu năng cao, giảm được số lượng những đập thủy điện khác, tập trung chỉ ở một vài con sông lớn có thể kiểm soát. Chưa kể các dòng nước xả ra ở thủy điện phải được giảm động năng bằng cách cho phun các cửa xả đấu đầu nhau để triệt tiêu các lực gia tốc dòng nước. Đập chính vẫn có cửa xả mà không qua các đập phụ để đề phòng tình huống khẩn cấp.
3. Tìm các nguồn năng lượng khác an toàn hơn để thay thế thủy điện như năng lượng mặt trời, gió, sóng biển, thậm chí nhiệt hạch".
Đồng quan điểm, độc giả Hiếu Nguyễn đánh giá: "Năm nào vào mùa bão lũ tôi cũng chỉ có một thắc mắc: tại sao vẫn chỉ là những khu vực ấy, những nóc nhà ấy, những con người ấy và những đợt vận động ủng hộ ấy? Tại sao chúng ta vẫn giữ những ngôi nhà đơn sơ giữa vùng rốn lũ trong khi giải pháp nhà chống lũ hoặc nhà sống chung với lũ không phải là ít.
Nhìn xa trông rộng, chúng ta có thể giúp người dân vùng rốn lũ có cuộc sống ổn định lâu dài hơn bằng cách hỗ trợ di dời tái định cư hoặc làm nhà chống lũ. Những vùng lân cận có thể dựng đê bao, làm thủy lợi... Có vô vàn cách khắc phục. Nhiều nước trên thế giới ở dưới mực nước biển nhưng vẫn có cuộc sống rất ổn định, tại sao ta không học hỏi để làm cho đồng bào?".
>> Tầm nhìn 'sống chung với lũ'
Trong khi đó, nhìn dưới góc độ phòng bị cho con người, bạn đọc Bình Minh gợi ý phương án:
"Tôi cho rằng, chúng ta nên dần có suy nghĩ tích cực về việc sống chung với lũ ở miền Trung. Mỗi gia đình miền Trung nên có một căn nhà chống lũ, diện tích khoảng 12-15 m2 là tạm ổn cho 4-6 người (kinh phí từ nhiều nguồn và xã hội hóa). Lý tưởng nhất là có cột trụ xi măng bốn góc, mặt sàn cao 3,2-3,5 mét so với mặt đất, tùy theo đỉnh lũ từng khu vực. Ở trên, có thể làm nhà ghép lên, khung sắt, gỗ, mái tôn... Xung quanh là các vật liệu như tôn, gỗ, tre, nứa - phối hợp với tấm nhựa trong dạng sóng như tôn để chống mưa.
Bên cạnh đó, mỗi nhà nên có một thuyền cá nhân bằng tôn, hai bên có chỗ buộc được các bình nhựa như vỏ can nhựa, các vỏ chai dầu ăn năm lít để chống lật, hoặc bè nứa to bằng giường cá nhân để di chuyển khi nước lên. Chỉ có như vậy mới có thể tạm đảm bảo an toàn cho người dân khi lũ về hàng năm như chúng ta đã thấy".
"Con người tồn tại đến ngày nay nhờ sự kiên cường chống chọi lại thiên nhiên. Trong quá trình chống lại thiên nhiên, nếu con người làm đúng thì sẽ chiến thắng hoặc hạn chế được thảm họa do thiên tai gây ra. Chưa có bằng chứng khoa học chứng minh, nếu con người không đấu tranh với thiên nhiên thì thảm họa sẽ ít hơn. Chính sự kiên cường của con người nên mới chống lại được nhiều dịch bệnh chết người hạng loạt, mới có những ngôi nhà chịu đựng được cường độ động đất, cầu vượt sông, vượt biển, có máy bay, tàu vũ trụ, có các loại tàu thuỷ, có những hạt giống năng suất cao để nuôi sống chúng ta...
Có thể con người làm sai một số vấn đề nhưng không vì thế mà chúng ta chịu khuất phục thiên tai và chấp nhận sống chung với dịch bệnh, bão lũ. Thấy sai thì cần sửa và nỗ lực hơn nữa để ngăn chặn hoặc hạn chế thảm họa do thiên nhiên gây ra. Nếu con người kết nối lại được hết các con sông và điều tiết chúng thì tình trạng lũ lụt và hạn hán cục bộ có thể kiểm soát được", độc giả Ngoctoan118 nhấn mạnh.
>> Ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.