Miền Trung những ngày này đang là tâm điểm của mất mát, thiệt hại, của đùm bọc và thương yêu. Nói đến mưa bão, lũ lụt, hẳn nhiều người sẽ có quan niệm đó là "bệnh" của trời. Nhưng "bệnh" gì trước khi phát ra cũng có dấu hiệu cảnh báo và triệu chứng, điều quan trọng là chúng ta có coi trọng sự cảnh báo này hay không?
Muốn khỏi bệnh phải trị tận gốc, đợi khi phát bệnh rồi mới uống thuốc, tiêm truyền kháng sinh thì cũng sẽ chỉ làm giảm nhẹ phần nào nguy cơ, đó là xử lý phần ngọn. Nếu không biết gốc rễ của sự việc, cả đời chúng ta sẽ mãi chỉ chạy theo giải quyết hệ quả mà thôi. Và khi thế hệ đi trước giải quyết không xong, đời con cháu chúng ta sẽ tiếp tục phải hứng chịu di chứng ngày càng nặng nề.
Để hình thành một cơn bão có các yếu tố chính như sau: nhiệt độ mặt nước biển ấm lên (khoảng trên 26 độ C), sự bất ổn định trong khí quyển, độ ẩm cao bốc lên, tạo động lực hút xoáy... Vùng nhiệt đới là nơi dễ hội đủ các yếu tố trên, nhưng xúc tác thúc đẩy sâu xa là sự tàn phá thiên nhiên, hủy diệt môi trường, các chất độc hại thải ra phá hủy tầng khí quyển, nhiệt độ trái đất nóng lên từng ngày...
Gia đình có phép tắc, cơ quan có nội quy, đất nước có pháp luật, vũ trụ có quy luật vận hành. Sống tự do, vi phạm nội quy, phạm vào pháp luật, làm ngược nguyên lý... thì hệ quả sẽ khôn lường. Dịch bệnh, thiên tai, bão lũ là những cảnh báo nhẹ từ vũ trụ gửi cho con người, đủ để tỉnh thức và khiến chúng ta nhận ra sái lầm, làm lại từ đầu. Khi đó, tình yêu và sự cho đi của mẹ thiên nhiên vẫn luôn chờ sẵn ở đấy.
Miền Trung đang phải gánh chịu những tổn thất nặng nề về người và của. Cũng giống như rất nhiều cơn bão đã quét qua các quốc gia và châu lục khác. Nơi đâu, dân tộc nào trên trái đất này cũng đều là anh em, bè bạn. Dịch bệnh không chừa một ai và thiên tai cũng không loại trừ ai. Được sống ở đồng bằng, miền núi không bị bão lũ là một đặc ân, nhưng đừng nghĩ mọi hành động của chúng ta đều vô tội: thành phố hàng ngày tiếp tục thải khí phá hủy tầng ozone, góp phần làm tăng nhiệt độ của trái đất. Miền núi cứ tiếp tục chặt phá rừng gây lụt nghiêm trọng...
Vì vậy, những đóng góp nhỏ cho miền Trung như tiền, gạo, thuốc, đồ dùng... không phải chỉ là nghĩa cử từ thiện, khôngchỉ là sự sẻ chia cơm áo, mà chính xác là một lời xin lỗi mà chúng ta gửi đến miền Trung. Hơn tất cả, thứ chúng ta cần làm là lòng biết ơn mẹ thiên nhiên đã cho ta quá nhiều, là dừng lại đôi chút để xem chúng ta đã làm gì ảnh hưởng tới môi trường, có thuận theo quy luật của vũ trụ không hay đang ngỗ nghịch tàn phá?
Nên nhớ, sức người nhỏ bé so với sức mạnh vĩ đại của thiên nhiên. Dịch Covid hay một cơn bão cũng chỉ là cái "hắt hơi" của vũ trụ, vậy mà đã làm cho thế giới và con người chao đảo ít nhiều. Chúng ta có chắc sau cơn bão này, những cơn bão kế tiếp với sức tàn phá kinh hoàng hơn sẽ không đến nữa? Bao nhiêu của cải cả đời gây dựng, nay bị cuốn sạch trong tích tắc, đến tính mạng còn không dám chắc có giữ được hay không? Năm sau bão sẽ có mấy cơn nữa? Bao nhiêu người tiếp tục ra đi? Dịch bệnh sắp tới có nguy hiểm hơn nCoV không...? Đó sẽ là điều khiến chúng ta phải suy ngẫm.
Sống cần làm chủ và xoay chuyển vận mệnh, chứ sống không chỉ biết cầu may. Một thế hệ có thể chưa làm thay đổi được ngay. Nhưng ít nhất, khi thấu hiểu và làm đúng, chắn chắn nhiều năm sau nữa, chúng ta sẽ không phải gánh chịu những tổn thất nặng nề do thiên tai và dịch bệnh như lúc này.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.