Kỳ thi THPT Quốc gia 2022 đã kết thúc, các em thí sinh cũng đã biết kết quả của mình. Nhìn vào phần trăm đỗ tốt nghiệp và bảng điểm chúng ta thấy vui mừng vì một kỳ thi thành công, điểm số trung bình của nhiều môn khá cao.
Nhiều em dù chưa biết điểm thi tốt nghiệp nhưng cũng biết mình đã đỗ trường đại học qua xét tuyển học bạ hoặc các hình thức thi năng lực do các trường tổ chức.
Nhưng đi cùng với niềm vui đó thì còn nhiều vấn đề trong thi cử và điểm số. Chúng ta cần nhìn nhận trực tiếp và có những đổi mới cho năm học mới, kỳ thi sắp tới. Thi để chọn nhân tài, có nhân tài thì đất nước mới phát triển được. Chưa có đất nước nào nằm trong nhóm các nước phát triển mà có nền giáo dục yếu kém cả.
Nhìn sang Trung Quốc, họ có một kỳ thi đại học phải nói là căng thẳng, cạnh tranh bậc nhất thế giới. Từ kỳ thi đó học chọn được những nhân tài thực sự. Chúng ta cũng từng có một kỳ thi cạnh tranh, chất lượng như vậy nhưng lại bỏ để có một kỳ thi chung như hiện tại.
Một kỳ thi chung cũng tốt, nó đã giải quyết rất nhiều vấn đề nhưng cũng lại nảy sinh nhiều vấn đề mới không tốt. Nếu như không tốt tại sao chúng ta không mạnh dạn thay đổi, bởi một kỳ thi tuyển nhân tài phải cạnh tranh, khắc nghiệt mới có thể tạo nên những nhân tài cho đất nước được.
Việc đầu tiên là chia kỳ thi THPT Quốc gia và xét tuyển đại học. Với kết quả thi năm nay, gần như tỷ lệ độ tốt nghiệp của các tỉnh đều trên 98%, tỷ lệ trượt tốt nghiệp của cả nước cũng rất nhỏ.
Một kỳ thi tốt nghiệp tốn kém như vậy nhưng mục đích chỉ để loại vài nghìn học sinh thì tại sao chúng ta lại cứ tổ chức hết năm này đến năm khác? Có nhiều em chỉ muốn thi tốt nghiệp lấy cái bằng cấp ba sau đó đi xuất khẩu lao động, đi học nghề, đi làm công nhân nhưng vẫn phải ôn luyện mấy tháng trời cùng những em có ý định thi đại học.
Như vậy vừa lãng phí thời gian học của các em, các em phải ngồi nghe những kiến thức cao cho thi đại học trong khi khả năng tiếp thu có hạn.
Rồi thầy cô dạy ôn tập cũng khó khăn hơn khi phải vừa ôn luyện kiến thức cao cho các em thi đại học, lại phải quan tâm ôn kiến thức cơ bản vốn các em khác đã nắm bắt được cho những em học chậm, học kém chỉ để thi tốt nghiệp.
Vậy thì chúng ta cần đổi mới, cho các tỉnh tự tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia vào cuối tháng 4 đầu tháng 5. Để các em chỉ thi tốt nghiệp thi cho sớm và những em thi đại học có nhiều thời gian hơn tập trung các môn thi. Chứ dành hơn một tháng vừa ôn môn xét tuyển đại họ, lại phải học cả những môn chỉ để thi tốt nghiệp thì lãng phí thời gian và tiền bạc. Kỳ thi đại học vẫn tổ chức tại trường hoặc cụm trường trong một huyện như hiện tại để các em không phải đi xa.
Việc thứ hai là thay đổi cách thức bài thi. Hiện tại chỉ có môn Văn là thi tự luận. Nhưng mấy năm qua việc ra đề văn thi khiến cho việc học tủ, học thuộc lòng rồi vào phòng thi chỉ việc nhớ và chép làm xã hội nảy sinh nhiều nghi ngờ, cũng như không đánh giá được hiệu quả thực sự của việc học văn.
Với đề năm nay thì trên các diễn đàn, mạng xã hội phải đến 60% dự đoán chính xác bài "Chiếc thuyền ngoài xa". Nhưng Bộ Giáo dục đã công bố năm tới sẽ có cách thức thi mới, đây là tín hiệu tốt cho môn Văn tránh việc học tủ, học vẹt.
Tuy nhiên các môn trắc nghiệm cũng nảy sinh nhiều vấn đề. Như tôi thấy nhiều em nói chỉ làm được phần đầu. Làm được khoảng 25 câu đầu còn lại không biết làm nhưng khoanh bừa lại trúng được vài câu. Như vậy lẽ ra em ấy chỉ được 6,25 điểm nhưng bởi yếu tố may mắn tích bừa thêm được 5 câu trong 15 câu còn lại vậy là được 7,5, có em có thể may mắn được nhiều hơn.
Như vậy có thể một em làm thực chất được 7 điểm nhưng không may những câu còn lại chỉ tích đúng một câu. Còn em chỉ làm được 6,25 nhưng may mắn lại đúng 5 câu và cao hơn điểm em kia. Đó là sự thiếu công bằng cũng như kết quả đôi khi không đánh giá đúng thực lực học sinh, người tài bị bỏ lại.
Do đó cần thay đổi cách thức bài làm. Có thể chia bài thi làm hai phần tự luận và trắc nghiệm. 30 câu đầu các em làm trắc nghiệm và 10 câu sau khó làm tự luận trình bày ra giấy. Như vậy với những em học lực trung bình khá không thể có yếu tố may mắn với 10 câu phân loại sau được. Còn các em có thực lực sẽ làm được phần sau, làm được bao nhiêu đúng thực lực và trình độ của các em, điểm số sẽ khác biệt hẳn. Các em điểm cao đỗ đúng bằng thực lực chứ không phải kiểu "may thế, tích bừa lại đúng được mấy câu cuối".
Việc thứ ba là thay đổi thang điểm hiện tại. Với cách thức thi cử môn trắc nghiệm như bây giờ hay cho dù là tự luận thì thang điểm 10 tôi thấy không còn phù hợp nữa. Thang điểm 10 dẫn tới phải làm tròn điểm và vô tình tạo sự bất công về điểm số nhất là hiện tại chỉ chênh lệch 0,1 điểm thôi là ranh giới giữa đỗ và trượt. Hay trong việc kiểm tra và tổng kết cũng gây sự bất cập, bất công.
Rất nhiều nước trên thế giới có nền giáo dục phát triển đang dùng thang điểm 100. Do đó theo tôi có thể nghiên cứu thay đổi sang thang điểm 100. Việc thay đổi thang điểm đối gần như không làm biến động nhiều, mọi thứ vẫn vậy nhưng chỉ là thay vì 7,2 điểm và phải làm tròn thì giờ thành 72 điểm không cần làm tròn. Hiện tại một em lẽ ra câu nào đó làm được một nửa nhưng theo barem thì không được điểm do khó chia lẻ nhưng với thang điểm 100 có thể chấm đến mức nhỏ nhất là một điểm.
Thay vì trước đây một em đạt 7,2 điểm, làm tròn thành 7,0 giống với em 6,8 làm tròn thành 7. Thì giờ là 72 điểm và 68 điểm, tạo sự khác biệt và công bằng với em điểm cao hơn. Khi thang điểm là 100 thì các bài kiểm tra hay thi tự luận việc phân bố điểm các bước cũng dễ hơn, giáo viên chấm cũng dễ hơn. Tạo sự chính xác và công bằng cho các thí sinh, học sinh.
>> Toán cấp 3 của tôi thừa sức học kỹ sư tại Australia
Vấn đề thứ tư, môn ngoại ngữ là môn thi tốt nghiệp tự chọn. Như bảng điểm của năm nay thì số lượng học sinh dưới 5 điểm rất nhiều, môn tiếng Anh cũng là môn mà có nhiều điểm dưới 5 nhất. Tại sao lại xảy ra vấn đề này, theo tôi có hai nguyên nhân chính.
Nguyên nhân thứ nhất: Do trình độ học sinh cũng như giáo viên ở các vùng miền hiện tại có sự chênh lệch khá lớn. Không như các môn học khác như toán, văn, lý, hóa, giáo viên có kém thì ít ra cũng dạy được kiến thức cơ bản cho các em và các em có kém thì nói mãi rồi cũng hiểu ít nhiều.
Nhưng với môn tiếng Anh lại khác. Ngay từ việc phát âm ở các vùng miền khác nhau đã dẫn tới việc dạy và học khó khăn rồi. Khi mà học sinh kém, giáo viên không tốt thì cũng giống như chúng ta xem một bộ phim nước ngoài không có lồng tiếng, không phụ đề vậy. Có xem 100 lần cũng không hiểu họ nói gì, không hiểu nói gì thì sao biết được vấn đề .
Nguyên nhân thứ hai: Do nhu cầu của đại đa số là không cần. Mặc dù hội nhập thì phải biết ngoại ngữ. Nhưng đó chỉ là dành cho số ít. Một người đi làm công nhân, giáo viên, kế toán, nhân viên văn phòng cần gì biết đọc thông viết thạo ngoại ngữ. Có chăng biết vào từ cơ bản phục vụ cho công việc như open, close, men...
Do đó những em học sinh có xu hướng nghề nghiệp như vậy cần tập trung vào những môn sẽ thi đại học để điểm cao, những môn có thể học để thi tốt nghiệp. Môn tiếng Anh chỉ cần trên điểm liệt là đủ, ai cần thì sau này học sau. Do đó theo tôi hay để môn ngoại ngữ là môn thi tốt nghiệp tự chọn bên cạnh môn lịch sử.
Tại sao cứ phải là môn Ngoại ngữ trong khi môn Lịch sử được rất nhiều người quan tâm khiến bộ giáo dục phải cho môn Lịch sử là môn học bắt buộc. Vậy thì thay vì môn Ngoại ngữ là môn thi bắt buộc, chúng ta chọn môn lịch sử là môn thi tốt nghiệp bắt buộc. Ý kiến này tôi nghĩ sẽ được đa số đồng ý.
>> Lỗ hổng đằng sau chuyện 'ép học sinh bỏ thi vào lớp 10'
Vấn đề thứ năm là dùng điểm học bạ trong xét tốt nghiệp THPT. Đây là chủ trương tốt của Bộ Giáo dục để cho các em phải phấn đấu học các môn trong quá trình học tập, tránh học lệch. Nhưng bộ lại không lường trước được điều này dẫn đến việc điểm học bạ bây giờ lại cao đến vậy.
Trước kia để đỗ tốt nghiệp thì tổng điểm 6 môn thi cộng với điểm ưu tiên phải đạt từ 5 trở lên. Do điểm ưu tiên khá ít nên để đỗ tốt nghiệp các em phải đạt trung bình mỗi môn 4,5 đến 4,9. Nhưng với việc lấy điểm học bạ là 30% điểm xét tốt nghiệp dẫn tới nhiều nơi cho điểm tổng kết học sinh rất cao.
Nếu một em được tổng kết 7,5, có thêm điểm học nghề, điểm ưu tiên thì khi thi chỉ cần hơn hai điểm mỗi môn là đỗ tốt nghiệp. Và rất nhiều em 6 môn thi tốt nghiệp chỉ đạt trung bình khoảng 2,5 đến ba điểm mỗi môn vẫn đỗ tốt nghiệp. Mà với mức trung bình 2,5 đến 3 điểm mỗi môn vẫn đỗ tốt nghiệp thì kỳthi quốc gia mất đi ý nghĩa của nó.
Do đó tôi thấy cần thay đổi hoặc có quy định về điều này. Giảm tỷ lệ điểm học bạ xuống còn 20%, để đỗ tốt nghiệp thì tổng điểm 6 môn phải từ 21 nếu thi chung như hiện tại (hoặc 24 trở lên nếu các tỉnh tự tổ chức thi tốt nghiệp) ,không môn nào dưới một điểm và trung bình sau khi cộng với điểm học bạ, điểm nghề, ưu tiên từ 5 trở lên.
Như vậy cho dù điểm học bạ có cao mà không đạt mỗi môn ít nhất 3,5 đến 4 điểm thì vẫn trượt. Học bạ vẫn có giá trị nhưng vẫn cần phải có kiến thức thực sự để vượt qua kỳ thi. Những em trượt tốt nghiệp cấp cho giấy chứng nhận hoàn thành chương trình phổ thông. Cho phép bảo lưu kết quả một số môn điểm cao và thi lại tốt nghiệp những môn khác vào năm sau.
Thanh Y
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.